Chủ trì hội thảo có Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội. Cùng tham gia có các đồng chí: Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, các chuyên gia, một số thành viên Ban chỉ đạo, Tổ biên tập tại khu vực phía Bắc; các đồng chí Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), một số ĐBQH, đại diện Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tại khu vực phía Bắc…
Tham dự về phía tỉnh Hòa Bình có các đồng chí: Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh.
Phát biểu chào mừng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thông tin nhanh về tình hình, kết quả phát triển KT-XH của tỉnh trong những năm qua có đóng góp đặc biệt quan trọng của HĐND, đã thực hiện tốt chức năng đó là: Quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương và giám sát hoạt động của UBND, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp. "Hội thảo tham vấn ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND” là diễn đàn quan trọng trong quy trình lấy ý kiến để Hội đồng Dân tộc, Ban chỉ đạo, Tổ biên tập dự án Luật cũng như các cơ quan liên quan của Quốc hội, Chính phủ, các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận đối với các vấn đề liên quan trong hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho biết: Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND được ban hành năm 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/07/2016, là cơ sở pháp lý quan trọng toàn diện cho việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, làm rõ tính chất, vị trí pháp lý, trình tự thủ tục và góp phần đổi mới căn bản hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử trong nhiều lĩnh vực và đời sống KT-XH. Tuy nhiên, sau hơn 7 năm thi hành, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã bộc lộ một số vướng mắc, cần rà soát, chỉnh lý đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp với bối cảnh thực tiễn hiện nay. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Hội đồng Dân tộc - cơ quan chủ trì lập đề nghị soạn thảo dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Đây là hội thảo lần thứ 2 trong chuỗi hoạt động của quy trình lấy ý kiến xây dựng Luật. Nội dung hội thảo tập trung vào các vấn đề liên quan đến việc hoàn thiện, bảo đảm thực hiện các nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát…
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận thẳng thắn, có trách nhiệm, tập trung vào sự cần thiết, tính hợp lý, phù hợp, khả thi của chính sách về bảo đảm thực thi kết luận, kiến nghị giám sát trong hồ sơ lập đề nghị; cho ý kiến đối với những đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan nêu trong dự thảo Tờ trình và Báo cáo đánh giá tác động chính sách. Đồng thời, kiến nghị thêm các giải pháp, nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật hiện hành để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả thực thi các kết luận giám sát. Đề nghị rà soát các tờ trình giám sát chuyên đề để tránh trùng lặp; đề cương chi tiết nội dung đã bám sát tờ trình nhưng cần theo sát phù hợp thực tiễn hiện nay trong hoạt động giám sát…
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, sẵn sàng nhận nhiệm vụ của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan trong việc lập đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Hội thảo này là bước đầu để cho ý kiến về Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Hội đồng Dân tộc, Ban chỉ đạo tiếp tục rà soát cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn; tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội, phù hợp với thực tiễn; nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát các văn bản quy phạm pháp luật; chú trọng việc theo dõi, đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau giám sát… tiếp tục tổ chức các hội thảo đảm bảo chất lượng và tính khả thi, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi rất cao đó là xây dựng luật là mẫu mực cả về tinh thần, trách nhiệm tiếp thu giải trình, mẫu mực về nội dung, về quy trình xây dựng Luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.