DetailController

Văn hóa

Hội thảo đề tài khoa học “Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng của người Mường Hòa Bình”

29/07/2011 00:00
Ngày 28/7, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Mường (VHDT) và các dân tộc thiểu số khu vực Tây Bắc tổ chức hội thảo đề tài khoa học “Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng (KGVHCC) của người Mường Hòa Bình”. Tham dự hội thảo có: đại diện lãnh đạo Ban tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở VH,TT&DL, Sở KH&CN, Hội VHNT tỉnh, Hội Khoa học lịch sử Hòa Bình, các nghệ sỹ, nhà nghiên cứu văn hóa của tỉnh.
NSƯT Bùi Chí Thanh trình bày khái quát nội dung bao quát của đề tài khoa học “ Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng của người Mường Hòa Bình”.

 

Đề tài hội thảo của NSƯT Bùi Chí Thanh và nhóm tác giả thuộc TT Nghiên cứu bảo tồn và phát huy VHDT Mường và các dân tộc thiểu số khu vực Tây Bắc thực hiện. Nhóm tác giả đã căn cứ vào tài liệu, cứ liệu điền dã: sưu tầm trực tiếp, tổng hợp, nguyên hợp từ 100 nghệ nhân, các nhà cao niên các nhà văn hóa và những người hành nghề văn hóa tôn giáo tín ngưỡng là người Mường của nhiều tỉnh trong suốt 40 năm; tham khảo, khảo cứu 103 công trình, tiểu luận nghiên cứu văn hóa âm nhạc cồng chiêng (ANCC) của người Mường, các dân tộc Tây Nguyên và các nước Đông Nam Á, Đông Á của các nhà khoa học lịch sử, dân tộc học, nhà nghiên cứu ANCC–KGVHCC…để nghiên cứu, thực hiện đề tài.
 
Tại hội thảo, các ý kiến thảo luận tập trung làm rõ tính cấp thiết của công trình; mục đích sưu tầm nghiên cứu và ứng dụng vào thực tế cuộc sống KGVHCC và nội hàm; sự hình thành và phát triển cồng, chiêng kim khí và tre nứa trở thành “dụng cụ - nhạc cụ”; sự hình thành âm nhạc chiêng xắc bùa; hình thành và phát triển KGVHCC của người Mường Hòa Bình; phương thức trình tấu, trình diễn âm nhạc cồng chiêng; âm nhạc cồng chiêng – không gian văn hóa cồng chiêng suy thoái và triển vọng của sự phục hồi; phương pháp truyền dạy chiêng xắc bùa; giá trị, vị trí KGVHCC; sự tương đồng và khác biệt giữa KGVHCC của người Mường Hòa Bình và KGVHCC của các dân tộc Tây Nguyên; bảo tồn – phát huy – kế thừa – phát triển KGVHCC.
 
Các ý kiến tại hội thảo nêu rõ, để tiến trình hướng đề tài nghiên cứu khoa học này tới sự công nhận của Bộ VH- TT&DL: "Không gian văn hóa cồng chiêng của người Mường, tỉnh Hòa Bình" là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, cần thực hiện các giải pháp, biện pháp trọng tâm trên cơ sở bảo tồn văn hóa thông qua việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo và đầu tư cho công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị văn hóa cồng chiêng để toàn dân làm tốt việc giữ gìn, kế thừa; phát triển các lễ hội cổ truyền; tổ chức tổng kiểm kê, khảo sát, sưu tầm các làn điệu cồng, chiêng cổ trên quan điểm có chọn lọc, kế thừa; lưu truyền VHCC bằng sự truyền dạy ngay trong cộng đồng, gia đình, dòng họ; đặc biệt quan tâm đến các nghệ nhân…