Trong 6 tháng đầu năm, Bộ NN&PTNT đã tập trung chỉ đạo nguồn lực hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật trong lĩnh vực quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản. Công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật được đẩy mạnh. Các tỉnh, thành phố đã tổ chức trên 4.400 hội thảo, hội nghị cho gần 189.000 lượt người tham dự. Các hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm được thực hiện theo đúng quy định. Tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được thanh, kiểm tra là trên 14.300 cơ sở, trong đó có gần 1.600 cơ sở vi phạm. Tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp được thanh, kiểm tra là trên 3.700 cơ sở, trong đó số cơ sở vi phạm là trên 800 cơ sở. Chương trình giám sát nông lâm thủy sản tại địa phương, các tỉnh, thành cũng đã triển khai lấy gần 21.800 mẫu nông lâm thủy sản. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đã giải quyết kịp thời rào cản kỹ thuật an toàn thực phẩm của thị trường xuất khẩu, duy trì ổn định xuất khẩu thủy sản tại thị trường truyền thống và khai thông một số thị trường mới.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung nêu lên một số tồn tại, vướng mắc trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản trong tình hình hiện nay như: việc xây dựng, triển khai cơ chế chính sách tạo động lực khuyến khích hỗ trợ sản xuất thực phẩm nông lâm thủy sản chất lượng cao, an toàn thực phẩm còn chậm; công tác phân công, phân cấp trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản còn hạn chế; nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, chưa chỉ đạo quyết liệt và công khai xử lý cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm kém chất lượng…
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu trong 6 tháng cuối năm các ngành chức năng và các địa phương cần tăng cường các biện pháp nhằm thực hiện có hiệu quả hơn nữa trong công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản như: tiếp tục thực hiện các đợt thanh tra diện rộng về chất lượng thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học, thuốc thú y, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; kịp thời giải quyết các sự cố về ATTP trong nước và các vướng mắc trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào các thị trường Liên bang Nga, EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ…Đối với một số sản phẩm có nguy cơ cao, các ngành chức năng cần xây dựng đề án để quản lý theo chuỗi, tổ chức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, trong đó có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân tham gia.