Tại hội nghị, báo cáo viên Thanh tra Chính phủ giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành. Luật Thanh tra 2022 gồm có 8 chương, 118 Điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023; tăng 1 chương, 40 điều so với Luật Thanh tra năm 2010. Các văn bản hướng dẫn thi hành gồm: Nghị định số 43 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Thanh tra; Nghị định số 03 năm 2024 của Chính phủ về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
So với trước đây, hoạt động của các cơ quan thanh tra có những điểm mới như: Quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra, thủ trưởng các cơ quan thanh tra, việc thành lập thanh tra bộ, thanh tra tổng cục, thanh tra cơ quan thuộc Chính phủ; quy định về thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.
Trong phần thảo luận, các đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương nêu lên những khó khăn, vướng mắc khi áp dụng Luật Thanh tra năm 2022 trong thực tiễn; những ý kiến đóng góp nhằm tạo điều kiện cho hoạt động thanh tra trong thời gian tới.
Tại hội nghị, đại diện Thanh tra Chính phủ đã giải đáp những nội dung các đại biểu quan tâm; đồng thời ghi nhận những khó khăn, vướng mắc trong áp dụng pháp luật để tổng hợp, nghiên cứu báo cáo với Tổng Thanh tra Chính phủ để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng, ban hành, hướng dẫn áp dụng pháp luật về thanh tra trong thời gian tới./.