Theo báo cáo của Cục Thú y, năm 2021, dịch Cúm gia cầm chủ yếu xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, các địa phương đã phát hiện, xử lý kịp thời không để lây lan diện; Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 60 tỉnh, thành phố; Dịch lở mồm long móng xảy ra tại 18 tỉnh, thành phố; Bệnh Viêm da nổi cục xảy ra tại 55 tỉnh, thành phố. Đến nay, các loại dịch bệnh động vật trên cạn cơ bản được kiểm soát, tạo thuận lợi cho chăn nuôi phát triển, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho người dân. Tổng số đàn của cả nước đạt hơn 515 triệu con gia cầm; 28 triệu con lợn; 6,5 triệu đàn bò; sản lượng trứng gia cầm đạt 17,5 tỷ quả. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản vẫn tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng và được kiểm soát. Cụ thể, diện tích thủy sản bị dịch bệnh giảm 33%, diện tích bị thiệt hại giảm 54,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị, địa phương, tổ chức đã làm rõ tình hình chăn nuôi, công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2021 và nêu lên một số kiến nghị, giải pháp trong thời gian tới.
Phát biểu tại điểm cầu tỉnh, đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh cho biết, năm 2021, tỉnh Hòa Bình có 47 xã xảy ra Bệnh dịch tả lợn Châu Phi; 128 xã, thị trấn xảy Bệnh Viêm da nổi cục, 1 ổ dịch Bệnh Cúm gia cầm A/H5; công tác chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản duy trì ổn định. Với sự chỉ đạo của Trung ương và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành trong tỉnh, công tác phòng, chống dịch bệnh động vật được kiểm soát tốt. Tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh tăng 2,42% so với cùng kỳ. Trong năm 2022, Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục quan tâm, hỗ trợ vắc xin, hóa chất; đồng thời, rà soát, sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống dịch bệnh động vật.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định trong thời gian tới, nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm là rất cao, đặc biệt trong dịp đầu năm. Để chủ động tổ chức kiểm soát tốt, đồng chí Thứ trưởng đề nghị: Các địa phương bố trí các nguồn lực đề thực hiện có hiệu quả các Chương trình, Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật; khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng; hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn, sinh học; tăng cường công tác quản lý, kiểm soát vận chuyển động vật, các sản phẩm từ động vật; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Thứ trưởng yêu cầu Cục Thú y và các đơn vị thuộc Cục theo dõi tình hình dịch bệnh ở các địa phương, đặc biệt là bệnh nguy hiểm; hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp xây dựng các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh; nghiên cứu, sản xuất vắc xin chủ lực trong nước./.