DetailController

Văn hóa

Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2019 - 2020 và giai đoạn 2016 - 2020

02/11/2020 00:00
Ngày 31/10, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch năm học 2019 - 2020 và giai đoạn 2016 2020; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm học 2020 - 2021 và các năm tiếp theo. Dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị có đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính Phủ. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh

Năm học 2019 - 2020 diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 khiến học sinh phải nghỉ học dài ngày chống dịch. Do đó, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học; hướng dẫn tinh giản nội dung dạy học chương trình học kỳ 2 năm học 2019 - 2020 đảm bảo những nội dung cốt lõi, nền tảng. Theo số liệu thống kê, có 79,7% học sinh được học trực tuyến. Đến thời điểm này, sau 2 đợt dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, gần 1,5 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp và gần 24 triệu học sinh, sinh viên cả nước đều an toàn trước dịch bệnh.

Công tác phổ cập giáo dục mầm non được quan tâm, cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. 63/63 tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1. Công tác giáo dục học sinh khuyết tật được quan tâm đúng mức; công tác xóa mù chữ, chống tái mù chữ được thực hiện hiệu quả, nhất là những khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa; chất lượng GD dân tộc được nâng lên.

Ngành GD&ĐT đã thực hiện tốt mục tiêu kép tổ chức kỳ thi THPT năm 2020 vừa đảm bảo an toàn, phòng chống dịch Covid-19 vừa đảm bảo nghiêm túc, khách quan, công bằng của kỳ thi. Công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2020 đã tuyển 528.038 chỉ tiêu tuyển sinh, tăng 7,84% so với năm 2019. Bộ GD&ĐT tiếp tục xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với một số ngành đào tạo đặc thù như nhóm ngành đào tạo giáo viên, nhóm ngành đào tạo sức khỏe. Phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm giai đoạn 2021 - 2025 cơ bản giữ ổn định như năm nay, trong đó tăng cường tính tự chủ, tự trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học, từng bước tiếp cận xu hướng tuyển sinh của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Nhiệm vụ chủ yếu năm học 2020 - 2021 và giai đoạn 2021 - 2025, ngành Giáo dục sẽ tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản. Trong đó tập trung: Rà soát chính sách và công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đẩy mạnh việc triển khai chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới; chỉ đạo xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; rà soát các vấn đề giáo dục và đào tạo trong toàn ngành để chủ động chỉ đạo giải quyết, khắc phục dứt điểm những hạn chế, bất cập…

Tại hội nghị, đại biểu tại các điểm cầu đã thảo luận, kiến nghị về một số vấn đề như: Cần lấy ý kiến rộng rãi giáo viên và nhân dân đối với sách giáo khoa chương trình GDPT mới; giải quyết vấn đề thừa- thiếu giáo viên cục bộ; hình thành kho học liệu số, dùng chung trong toàn ngành; tiếp tục đổi mới cách dạy và học dựa trên nền tảng số; bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, quản lý, nhà giáo.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận những kết quả đã đạt được trong năm học vừa qua. Về những bất cập, tiêu cực của ngành Giáo dục đã phản ánh trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị phải nhìn nhận một cách bình tĩnh. Phải xác định đổi mới là một quá trình liên tục và quá trình thực hiện cần phải có sự điều chỉnh, nhìn nhận từng vấn đề đúng, sai. Do đó không nên mất lòng tin vào quá trình đổi mới giáo dục. Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các ban, ngành cần phải quan tâm đến công tác giáo dục. Bên cạnh đó, cần phải quan tâm đến khái niệm văn hóa trong giáo dục. Giáo dục phải liên quan đến toàn dân và mọi người cùng phải tham gia vào công tác giáo dục, đặc biệt là công tác giáo dục ngoài nhà trường. Thời gian tới, công tác giáo dục cũng cần phải tiến tới hội nhập quốc tế. Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo đủ trường, đủ lớp, đủ giáo viên cho học sinh. Tiến tới đa dạng giáo dục phổ thông, phải thực hiện bình đẳng trong giáo dục; không để quá nhiều trường chuyên, lớp chọn; bỏ dần việc học nhồi nhét, thụ động, thiếu tính phản biện, tính hình thức, phiền phức trong giáo dục.../.