Năm 2021 là năm đầu tiên của Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025 triển khai đồng bộ Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 với 6 Chương trình, 4 Đề án, 2 Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 21/NQ/TW của Đảng, Nhà nước. Dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Y tế; sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, đoàn thể, của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, năm 2021, ước tính số sinh là 1,24 triệu cháu, ước tính tỷ số giới tính sinh là 111,8 trẻ trai/100 trẻ gái; tổng tỷ suất sinh ước tính 1,11 con/ phụ nữ. Tổng số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại trên 5,2 triệu người; giảm 5% số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn; tỷ lệ bà mẹ mang thai được tầm soát, sàng lọc trước sinh là 60,07%; tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát, sàng lọc sơ sinh là 50%; tuổi thọ bình quân cả nước là 73,7 tuổi; tăng 5% tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/ năm.
Công tác tuyên truyền về dân số - kế hoạch hóa gia đình được triển khai thường xuyên dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú: Tổ chức các hoạt động truyền thông nhân ngày Thalassemia; phối hợp với Bayer Việt Nam tổ chức sự kiện hưởng ứng Ngày Tránh thai thế giới (26/9); cán bộ, người dân có thể tham dự trực tuyến sự kiện trên nền tảng mạng xã hội’ nội dung được tuyên truyền rộng rãi trên VTV1, VTC, HTV và 50 báo in, báo điện tử. Các hoạt động sản xuất sản phẩm truyền thông như: Thông điệp phát thanh, thông điệp truyền hình; phướn giả phục vụ hoạt động truyền thông sự kiện; sản xuất thông điệp truyền hình dành cho vùng mức sinh thấp; biên soạn tờ rơi về sàng lọc trước sinh, sơ sinh; đồng thời, triển khai tích cực, có hiệu quả hoạt động điểm báo hàng ngày, nhằm kịp thời cung cấp thông tin cho các nhà quản lý,…Trong năm 2021, cả nước có 59/63 tỉnh, thành phố tổ chức được trên 5.400 buổi hội thảo, nói chuyện chuyên đề, với 208,438 lượt người tham dự, 5.706 Câu lạc bộ tổ chức được trên 11.800 buổi sinh hoạt chuyên đề; 545 chương trình truyền hình, 61.136 lượt phát thanh, truyền thanh và trên 11 nghìn bài viết trên báo về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Triển khai mô hình hỗ trợ, can thiệp nâng cao vai trò của phụ nữ, trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội,…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Ban Chỉ đạo công tác dân số các địa phương cần tiếp tục triển khai Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với vùng, đối tượng đến năm 2030 theo Quyết định 588/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình của Bộ Y tế. Tổng Cục Dân số khẩn trương tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban Quốc gia điều phối dân số, qua đó các địa phương căn cứ xây dựng BCĐ địa phương. Tiếp tục triển khai đồng bộ Chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030. Đồng thời, tiếp tục triển khai các hoạt động theo chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước khi sinh và sơ sinh đến năm 2030; bố trí nguồn lực cho dân số, đặc biệt là bố trí nguồn lực cho 8 chương trình về dân số; hoàn thiện dự thảo hướng dẫn công tác dân số năm 2022. Các địa phương cần tranh thủ bổ trí các nguồn lực cho công tác dân số, đặc biệt quan tâm tới mức hỗ trợ cho cán bộ làm công tác dân số tuyến huyện, xã và đội ngũ cộng tác viên dân số ở thôn bản; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để mọi người dân hiểu về dân số và phát triển, giúp người dân chuyển nhận thức từ dân số - kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và phát triển. Thúc đẩy phong trào “Mỗi gia đình có đầy đủ 2 con”; kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp lựa chọn giới tính khi sinh nhằm nâng cao chất lượng Dân số về mọi mặt. Bên cạnh đó, các địa phương cần phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện công tác Dân số./.