Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 260 điều, trong đó, sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai 2013, bổ sung mới 78 điều. Luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025.
Đối với dự thảo Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất có những quy định chung về bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở khi Nhà nước thu hồi đất quy định tại khoản 1 Điều 96, khoản 1 Điều 98, khoản 1 Điều 99 của Luật Đất đai; bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất đối với trường hợp diện tích đo đạc thực tế khác với diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đối với các trường hợp đặc biệt; việc hỗ trợ ổn định đời sống khi Nhà nước thu hồi đất.
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai có 10 chương, 115 điều. Tập trung vào quy định chung; chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu, tổ chức bộ máy của tổ chức đăng ký đất đai, tổ chức phát triển quỹ đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, trưng dụng đất; phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất; giao đất, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất; chế độ sử dụng đất; theo dõi và đánh giá việc quản lý, sử dụng đất đai; kiểm tra chuyên ngành đất đai...
Tại hội nghị, đại diện Bộ, ngành Trung ương và địa phương đã tập trung góp ý về nội dung về quy hoạch; kế hoạch sử dụng đất; chế độ sử dụng đất; quy định chi tiết lập, thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất; theo dõi và đánh giá việc quản lý, sử dụng đất đai; giải quyết tranh chấp đất đai, xử lý vi phạm pháp luật về đất đai đối với người có hành vi vi phạm khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai... Tập trung thảo luận về các điểm mới, sự cần thiết của Luật đất đai; các nghị định liên quan, những khó khăn khi triển khai thực hiện; các kiến nghị đề xuất nhằm phát huy cao nhất hiệu quả nguồn lực đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Các dự thảo nghị định đã được cơ quan soạn thảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) lấy ý kiến các thành viên Chính phủ, Bộ, ngành địa phương để tiếp thu, chỉnh sửa bảo đảm chi tiết, đầy đủ, đồng bộ và thống nhất với Luật Đất đai năm 2024, cũng như hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Đồng thời, bảo đảm kế thừa, ổn định, phát triển hệ thống pháp luật về đất đai.
Sau khi nghe các ý kiến đóng góp vào các dự thảo nghị định, Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Hồng Hà yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, tổng hợp, hoàn thiện; các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đóng góp ý kiến sát đáng để đưa các nghị định vào cuộc sống, trên tinh thần thể chế hóa được các chính sách quy định trong Luật Đất đai 2024./.