Tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã báo cáo về: Công tác quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2022; triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ; triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đến hết ngày 15/4/2022, toàn quốc có 5.706/8.227 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân cả nước đạt 17 tiêu chí/xã. Có 225 đơn vị cấp huyện và 5 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm 1,43%/năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân các huyện nghèo giảm 5,65%/năm.
Tại hội nghị, đại biểu các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận, đề xuất và thống nhất các giải pháp để triển khai đồng bộ các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, phương án phân bổ, lồng ghép các nguồn lực; cơ chế kiểm tra, giám sát… với yêu cầu không trùng lặp nhiệm vụ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhưng không bỏ sót các nhóm đối tượng cần hỗ trợ. Phấn đấu đến năm 2025, cả nước có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 50% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 60% thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; cả nước có từ 17-19 tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, Chương trình đặt mục tiêu hàng năm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 1-1,5%, hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3%, hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 4-5%; trong cả giai đoạn sẽ có 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia nhấn mạnh: Trong giai đoạn vừa qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Các thiết chế, hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản hoàn thiện, nhất là ở khu vực khó khăn. Đời sống của Nhân dân nông thôn ngày càng được nâng cao về vật chất, tinh thần. Công tác giảm nghèo và an sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo, tạo điều kiện cho Nhân dân tiếp cận ngày càng tốt hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản. Nhiều chính sách, xã hội được đi vào cuộc sống, đóng vai trò là đòn bẩy hỗ trợ các đối tượng yếu thế vươn lên, giúp người dân thấy được quyền lợi từ đó chung sức đồng lòng phát huy tiềm năng lợi thế phát triển kinh tế - xã hội.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành Trung ương xây dựng đầy đủ, kịp thời các văn bản pháp lý, tiêu chí, hướng dẫn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Ban Chỉ đạo địa phương cần nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn; chủ động ban hành các văn bản cụ thể hóa hướng dẫn của Trung ương; ưu tiên bố trí ngân sách, huy động tối đa các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tuyên truyền để bảo đảm triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phản biện kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính khẩn trương ban hành kế hoạch lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Hội nghị đã triển khai kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua: “Vì người nghèo- không ai bị bỏ lại phía sau” và phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025./.