Năm 2021, ngành Y tế cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021. Thực hiện đạt 15/18 chỉ tiêu cụ thể cho ngành, lĩnh vực. Bên cạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngành Y tế tập trung phòng, chống các dịch bệnh khác, không để tình trạng “dịch chồng dịch”. Số mắc, tử vong của hầu hết các dịch bệnh truyền nhiễm phổ biến, HIV/AIDS, ngộ độc thực phẩm giảm hẳn so với năm 2020. Công tác quản lý môi trường y tế, truyền thông, y tế cơ sở được tăng cường để người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ bản thân và cộng đồng, giảm nguy cơ phải nhập viện, đặc biệt là người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính. Thực hiện nhiệm vụ kép, bảo đảm an toàn cho bệnh viện, phòng, chống dịch trong giai đoạn bình thường mới. Tăng cường năng lực ngay tại cơ sở, thiết lập hệ thống hồi sức, chăm sóc, điều trị giảm tử vong, hình thành trạm y tế lưu động để người dân được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng, thuận lợi, kịp thời. Tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có 88,8 triệu người tham gia Bảo hiểm Y tế, đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 91,01% dân số (tăng 0,9% so với năm 2020). Tăng tốc chuyển đổi số trong ngành Y tế, Bộ Y tế xếp thứ 5 về chuyển đổi số trong 18 Bộ có cung cấp dịch vụ công.
Năm 2022, ngành Y tế phấn đấu hoàn thành 3 chỉ tiêu chủ yếu: Tỷ lệ dân số tham gia Bảo hiểm Y tế đạt 92%; số bác sỹ trên 10.000 dân đạt 9,4; số giường bệnh trên 10.000 đạt 29,5. Hoàn thành 16 chỉ tiêu cụ thể cho ngành, lĩnh vực đề xuất Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế trong thực hiện công tác Y tế năm 2021. Đồng thời đề xuất, kiến nghị một số vấn đề nhằm thực hiện tốt hơn nữa chức năng nhiệm vụ được giao trong năm 2022: Chính phủ ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội dựa trên nguyên tắc an toàn, linh hoạt theo kết quả phòng, chống dịch Covid-19; trong đó ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện các dự án đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở; ban hành các chế độ, chính sách đãi ngộ xứng đáng đối với cán bộ y tế; đồng ý điều chỉnh mức đóng Bảo hiểm Y tế để có thể cân đối được Quỹ Bảo hiểm Y tế, tạo điều kiện để tính chi phí quản lý, khấu hao, cho phí nhân lực phục vụ chăm sóc toàn diện vào giá dịch vụ y tế.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được của ngành Y tế trong năm 2021. Đồng chí Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Nhận định trong năm 2022, dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn, có thể xuất hiện các biến chủng mới làm cho dịch diễn biến phức tạp, khó lường hơn, đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch. Ngành Y tế cần tiếp tục là lực lượng nòng cốt cùng với các lực lượng tuyến đầu khác đã, đang và phải quyết tâm trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 với mục tiêu trên hết, trước hết là bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của Nhân dân. Tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác y tế. Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của y tế dự phòng và y tế cơ sở. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, từng bước đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng cho đội ngũ nhân viên y tế các tuyến; có chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trên tất cả các lĩnh vực chuyên môn; đổi mới phương thức quản lý trong lĩnh vực y tế./.