Trong 6 tháng đầu năm 2017, các thành viên BCĐ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác CCHC, với trọng tâm là cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, hướng đến hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2017. Kết quả, đã trình Chính phủ ban hành 69 nghị định để điều chỉnh các quan hệ kinh tế - xã hội. Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật được các bộ, ban quan tâm đẩy mạnh.
Các bộ, ngành đã cơ bản hoàn thành việc rà soát về tổ chức bộ máy và trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các quyết định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức của các cơ quan hành chính,đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Tiếp tục đẩy mạnh rà soát, cắt giảm và đơn giản hoá thủ tục hành chính, trọng tâm là các thủ tục hành chính như: nộp thuế và BHXH, cấp phép xây dựng, tiếp cận điện năng, đăng ký quyền sử hữu, sử dụng tài sản, thông quan hàng hoá qua biên giới. Cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tiếp tục được triển khai có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp theo hướng công khai, minh bạch, thuận tiện.
Thực hiện chính sách tinh giản biên chế, trong 6 tháng đầu năm, cả nước tinh giản được 5.062 biên chế, nâng tổng số đối tượng được giải quyết tinh giản từ năm 2015 đến nay là 22.673 người. Về cải cách hành chính công, 07 bộ được giao chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực do bộ phụ trách; đã có 29/30 bộ, ngành và 59/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kế hoạch triển khai xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, cấp tỉnh; cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4 đối với 63/82 dịch vụ công theo danh mục đã được phê duyệt trong năm 2016, đạt tỷ lệ 77%, góp phần tiết kiệm thời gian, cắt giảm chi phí và nâng cao tính công khai, minh bạch.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC vẫn còn một số hạn chế như chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu, việc công khai thủ tục hành chính trên Trang thông tin điện tử của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và đơn vị hành chính cấp huyện chưa đầy đủ, vướng mắc trong kết nối liên thông phần mềm tại Trung tâm hành chính công và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả…
Tại hội nghị, các đại biểu đại diện các bộ, ngành địa phương đã thảo luận đánh giá cụ thể và đưa ra các giải pháp trong cải cách thể chế, cải cách tài chính công, ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành…
Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban chỉ đạo CCHC Chính phủ Nguyễn Trọng Thừa đã công bố kết quả xác định Chỉ số CCHC năm 2016. Theo đó, tỉnh Hoà Bình đạt 72,88 điểm, xếp thứ 37/63 tỉnh, thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2015.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đề nghị từ nay đến cuối năm 2017, các ban, bộ, ngành, địa phương tập trung một số nhiệm vụ cụ thể: đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ban, bộ, ngành, địa phương; hoàn thành các nhệm vụ của Kế hoạch hoạt động và Kế hoạch kiểm tra CCHC đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ đề ra; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phê duyệt bản mô tả công việc và khung năng lực của từng vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính theo danh mục đã được phê duyệt; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tiếp tục triển khai đồng bộ các nội dung CCHC theo các kết luận, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3,4; khẩn trương ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, cấp tỉnh theo quy định; thực hiện tốt việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; tăng tỷ lệ sử dụng văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước… Trên cơ sở kết quả chỉ số CCHC 2016, Bộ Nội vụ chủ trì, làm việc với các bộ, các tỉnh để thảo luận, phân tích, đánh giá hạn chế, yếu kém, xác định nguyên nhân và đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả CCHC.