DetailController

Tin từ các đơn vị

Hội nghị ngành Công thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ VIII - năm 2022

07/10/2022 00:00
Ngayf 23/9, tại tỉnh Thanh Hóa, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị ngành Công thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ VIII - năm 2022. Đồng chủ trì hội nghị: đồng chí Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công Thương, đồng chí Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương). Tham dự hội nghị có các đơn vị chức năng của các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ Công Thương, đại diện Lãnh đạo UBND một số tỉnh, Giám đốc Sở Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Tỉnh Hòa Bình có đồng chí Quách Tất Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Phạm Tiến Dũng - Giám đốc Sở Công Thương; đồng chí Phó Giám đốc Sở Công Thương và đại diện một số phòng chuyên môn thuộc Sở.
Các đồng chí Lãnh đạo chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, ngành Công thương khu vực đã quyết liệt triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của Trung ương và của từng địa phương, nhờ đó "bức tranh" tổng thể về công nghiệp, thương mại của vùng trong năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022 vẫn thể hiện được những kết quả và tín hiệu khả quan.

Các chỉ tiêu chủ yếu về công nghiệp, thương mại của các tỉnh năm 2022 đã lấy lại đà tăng trưởng và tăng trưởng cao so với năm trước. Công tác phát triển thị trường xuất khẩu tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng, sản phẩm xuất khẩu đa dạng, nhiều sản phẩm đã có chỗ đứng và khả năng cạnh tranh trên thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ...

9 tháng đầu năm 2022, sản xuất công nghiệp của đa số các tỉnh trong khu vực tiếp tục tăng trưởng ở mức cao so với cùng kỳ năm trước; có 21 tỉnh, thành phố có mức tăng trên 11%, cao hơn mức tăng của cả nước (dự kiến cả nước tăng 10,3%), đặc biệt có những tỉnh chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ở mức tăng trưởng trên 30% so với cùng kỳ. Sản lượng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu vẫn tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của khu vực ước đạt 1.612,9 nghìn tỷ đồng, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực ước đạt 160,87 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Tại tỉnh Hòa Bình, 9 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 18%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 38.490 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.056,8 triệu USD.

Tham luận tại hội nghị, các đại biểu đã đề xuất, kiến nghị những quan điểm, chủ trương, cơ chế, chính sách; những giải pháp cụ thể, thiết thực để tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành; công tác phối hợp giữa Trung ương và địa phương để giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, địa phương, cơ sở trong quá trình tổ chức thực hiện. Các đại biểu đều khẳng định bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại của các địa phương vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, nhất là về pháp luật, cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện hoạt động liên kết vùng, kết nối không gian phát triển. Trong đó, đồng chí Quách Tất Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình kiến nghị một số vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch, phát triển công nghiệp phù hợp với địa phương; kiến nghị Bộ Công Thương cùng các Bộ, Ngành tháo gỡ một số khó khăn trong thông tư, hướng dẫn còn vướng mắc, chồng chéo khiến địa phương còn gặp khó khăn khi triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn.

Kết luận hội nghị, để đạt được mục tiêu đề ra, đồng chí Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An yêu cầu các Sở Công Thương các tỉnh thành khu vực phía Bắc cần tập trung triển khai tốt một số nội dung sau: Tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 và Chương trình phục hồi kinh tế. Tập trung hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh, thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tổ chức triển khai hiệu quả sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện giải phóng mặt bằng những dự án trọng điểm, cấp bách, tạo thuận lợi trong các thủ tục hành chính của các dự án trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại trên địa bàn. Tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu, kích cầu, kết nối tiêu thụ hàng hóa. Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thực hiện chuyển đổi số, phát triển sản xuất thông minh. Ưu tiên cao cho các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả. Triển khai Chương trình bình ổn thị trường nhằm ổn định cung - cầu, giá cả trên từng địa bàn; phối hợp kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu để tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển trên thị trường nội địa. Đồng thời, đồng chí Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cũng đã ghi nhận những ý kiến đề xuất, kiến nghị của các đại biểu, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho địa phương.