Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) có 9 chương 72 điều quy định rõ về phạm vi điều chỉnh của Luật; nguyên tắc giải quyết tố cáo; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo; chấp hành quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo và cả những hành vi bị nghiêm cấm...
Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất với thể thức, tính cấp thiết và nội dung của dự thảo. Tuy nhiên, để Dự luật được hoàn chỉnh hơn, các đại biểu cho rằng cần bổ sung, chỉnh sửa 7 nội dung về: phạm vi điều chỉnh, hình thức tố cáo, sửa đổi, thời hiệu tố cáo, quy định về giúp tố cáo, điểm dừng giải quyết tố cáo, bảo vệ người tố cáo. Tại Điều 20 Luật Tố cáo quy định về hình thức tố cáo, ngoài 2 hình thức đơn hoặc tố cáo trực tiếp (đến cơ quan chức năng tố cáo nhưng vẫn phải có đơn), dự thảo luật cần quy định bổ sung các hình thức tố cáo khác như: Email, điện thoại, bản fax có danh, địa chỉ rõ ràng, có nội dung, bằng chứng cụ thể, có thể xác minh, kết luận nhằm tạo điều kiện cho người tố cáo thực hiện quyền tố cáo, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, nhất là hành vi tham nhũng, lãng phí.
Về thời hiệu tố cáo, thực tế hiện nay có nhiều tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật đã diễn ra từ lâu, không còn tính nguy hiểm cho xã hội nhưng cơ quan nhà nước vẫn thụ lý và xem xét. Điều này gây tốn kém, lãng phí trong quá trình giải quyết tố cáo, pháp luật hiện hành không quy định về thời hiệu tố cáo hành chính, do vậy cần nghiên cứu để có quy định cụ thể về thời hiệu tố cáo hành vi vi phạm (chưa phải là tội phạm) trong lĩnh vực hành chính để phù hợp với pháp luật hình sự và pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính…
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đồng chí Nguyễn Tiến Sinh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu toàn bộ ý kiến đóng góp của các đại biểu, tổng hợp để trình lên Quốc hội trong kỳ họp tới./.