DetailController

Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Hội nghị khảo sát, lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV

15/10/2024 15:27
Chiều 14/10, tại Công ty Điện lực Hoà Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội do đồng chí Đặng Bích Ngọc, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh làm trưởng đoàn đã khảo sát lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV. Cùng tham gia đoàn có các đồng chí: Nguyễn Thị Cẩm Phương, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh; lãnh đạo Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Sở Công Thương, Hội Luật gia tỉnh.
Đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng đoàn khảo sát phát biểu tại buổi làm việc

Sau gần 20 năm triển khai thi hành và qua 04 lần sửa đổi, bổ sung một số điều, thực tiễn thi hành pháp luật về điện lực cho thấy còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng mục tiêu triển khai các chính sách của Đảng đối với lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng. Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) gồm 9 chương với 130 điều; bám sát vào 06 chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội và không bổ sung chính sách mới.

Tại buổi làm việc, Đoàn khảo sát đã được nghe Công ty Điện lực Hoà Bình báo cáo kết quả triển khai thực hiện Luật Điện lực giai đoạn 2020 – 2023 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, qua gần 20 năm thực hiện, Luật Điện lực (đã được sửa đổi, bổ sung) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, có vai trò rất lớn trong phát triển điện lực của nước ta. Tại tỉnh Hoà Bình, giai đoạn 2020-2023, định hướng phát triển điện lực đã đạt được kết quả cao. Việc cung cấp điện đã đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp điện có sự phát triển mạnh mẽ, là điều kiện quan trọng cho việc bảo đảm an ninh cung ứng điện; đặc biệt, đã đưa điện lưới quốc gia tới các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Tiêu thụ điện năng gia tăng đáng kể. Việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả ngày càng được quan tâm; huy động được nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển hạ tầng điện với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, nòng cốt là các doanh nghiệp nhà nước. Tình hình an ninh kinh tế chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường,... được đảm bảo. Hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh cơ bản được liên kết mạch vòng với các trạm biến áp trong tỉnh và một số địa phương lân cận như Sơn La, Ninh Bình, Hà Nội đáp ứng được nhu cầu phục vụ phát triến kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tăng nguồn thu ngân sách địa phương, tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu đã trao đổi về một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Điện lực: Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để thi công một số công trình còn gặp nhiều khó khăn gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện dự án; hệ thống lưới điện xuống cấp, nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng lưới điện còn hạn chế…

Kiến nghị với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, Công ty Điện lực Hoà Bình đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo sớm xây dựng và ban hành Luật Năng lượng tái tạo và sớm ban hành Luật Điện lực (sửa đổi). Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương quan tâm phân bổ nguồn kinh phí Trung ương cho tỉnh Hòa Bình để tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2019-2030. Đối với các cấp, ngành ở địa phương, quan tâm bố trí nguồn lực trong việc triển khai phổ biến, tuyên truyền các quy định trong hoạt động điện lực trên địa bàn tỉnh…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận những kết quả mà Công ty Điện lực Hoà Bình đạt được thời gian qua. Đồng thời cho biết, việc sửa đổi dự án Luật Điện lực sửa đổi là hết sức cần thiết, nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước; tính đồng bộ, đảm bảo tính phù hợp giữa các luật, nghị quyết với các luật, quy định đã ban hành. Trên tinh thần tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến để kiến nghị với Quốc hội và các cơ quan liên quan tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV…/.