DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Hòa Bình: Tổng kết Dự án Haarp giai đoạn 2010 - 2014

06/02/2015 00:00
Ngày 04/2, Dự án Phòng chống HIV/AIDS khu vực Châu Á tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị tổng kết giai đoạn 2010 – 2014 và chuyển giao hoạt động Dự án Haarp tỉnh Hòa Bình. Tham dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo các sở, san, ngành; UBND huyện Mai Châu, Lương Sơn đại diện Dự án tại địa phương.

Trong 5 năm qua (từ 2010 - 2014), Dự án Haarp đã triển khai gói dịch vụ: Tuyên truyền thay đổi hành vi, phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn; Điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng chất Methadone; Khám và điều trị các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục; Tư vấn và xét nghiệm HIV tự nguyện cho các đối tượng nghiện chích ma túy, người bán dâm, quan hệ tình dục đồng giới cho các đối tượng tại 32 tỉnh, thành trong toàn quốc.

Tính đến năm 2013 đã có 2.914.792 người chích ma túy, 1.069.282 người bán dâm và 109.530 người quan hệ tình dục đồng tính được truyền thông trực tiếp. Đồng thời, các chương trình phân phát bao cao su, chất bôi trơn, bơm kim tiêm được triển khai chủ yếu qua nhân viên tiếp cận cộng đồng, phân phát qua cộng tác viên, tại các cơ sở dich vụ giải trí …

Tại Hòa Bình, trong 3 năm (từ 2011 – 2013), số người nghiện ma túy đã tăng lên 1.008 người (mỗi năm bình quân tăng 336 người). Ngoài ra, số người nghiện theo điều tra hàng năm có khoảng trên 500 người. Số xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy cũng tăng dần hàng năm, từ 105 xã năm 2011 lên 139 xã vào năm 2014. Thành phố Hòa Bình có tỷ lệ người nghiện cao nhất (826 người), Mai Châu (476 người), Lương Sơn (220 người) và Lạc Sơn (204 người). Người nghiện chủ yếu là nam giới và trong nhóm tuổi từ 18 – 50 tuổi, trình độ học vấn thấp, không có việc làm hoặc việc làm không ổn định. Tỷ lệ tái nghiện hàng năm thường dao động từ 64 – 70% (tính trong phạm vi 6 tháng sau cai)  và trên 90% (sau 1 năm). Người nghiện các loại ma túy tổng hợp , ma túy đá, thuốc lắc trong lứa tuổi thanh niên ngày càng gia tăng.

Trong 5 năm qua, Ban quản lý dự án tại Hòa Bình đã triển khai thực hiện 6 mục tiêu chính gồm: Hoạt động tiếp cận cộng đồng với số người được tiếp cận với dịch vụ ngày càng tăng dần theo các năm; Cung cấp dịch vụ toàn diện với các hoạt động chuyển gửi, xét nghiệm viêm gan B, C, tiêm phòng và điều trị Viêm gan B; Dự phòng lây truyền HIV trong Trung tâm 06 và Trại tạm giam. Đã có 1.964 học viên được tiếp cận dịch vụ với các hoạt động sinh hoạt nhóm được 2.428 buổi, truyền thông trên loa đài, thi tìm hiểu về ma túy, HIV, tư vấn cho 2.376 lượt học viên. Ngoài ra còn cung cấp dụng cụ dự phòng lây nhiễm HIV và viêm gan B,C được 37.330 chiếc dao cạo râu, 11495 bàn chải đánh răng …; Dự phòng tái nghiện và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng; Tăng cường năng lực cán bộ thông qua hội thảo, hội nghị và các khóa đào tạo nâng cao do Trung ương tổ chức; Hoạt động giám sát.

Thông qua các hoạt động trên, nhận thức của người dân tại các đơn vị triển khai dự án dần được thay đổi, không còn tình trạng phân biệt kỳ thị với người nghiện chích ma túy, nhiễm HIV.

Tuy nhiên, đến hết tháng 12/2014 dự án kết thúc. Do vậy Ban quản lý Dự án đã xây dựng kế hoạch chuyển giao với mục đích tiếp tục duy trì các kết quả đã đạt được của dự án trong việc triển khai các biện pháp can thiệp giảm tác hại cho nhóm người nghiện chích ma túy; đảm bảo tính bền vững và chuyển giao đúng thời hạn các hoạt động can thiệp của dự án sang các đơn vị khi dự án kết thúc.

Tại hội nghị, đồng chí Trần Quang Khánh – Giám đốc Sở Y tế yêu cầu: Cần đảm bảo nguồn nhân lực, nguồn ngân sách cho việc duy trì hoạt động của Cơ sở điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone; xây dựng kinh phí phòng chống HIV cho giai đoạn tiếp theo; lập kế hoạch duy trì các biện pháp can thiệp giảm thiểu tác hại, lực chọn các vấn đề ưu tiên để triển khai thực hiện; tăng cường công tác tuyên truyền, tập trung vào công tác thay đổi hành vi, giảm tác hại; mở rộng thêm cơ sở điều trị Methadone; Đối với Ngành Công an: lập hồ sơ rà soát đối tượng, áp dụng các biện pháp cai nghiện trên cơ sở phối hợp thống nhất với Ngành để đạt được hiệu quả cao; lồng ghép hoạt động phòng chống HIV/AIDS vào các chương trình, dự án, MTQG khác.