DetailController

Kinh tế

Hòa Bình: Tiếp tục tập trung phát triển hệ thống giao thông nông thôn

19/09/2022 00:00
Những năm qua, Hòa Bình đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đầu tư, phát triển hệ thống giao thông nông thôn. Qua đó, vừa nâng cao chất lượng giao thông trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới; đồng thời, tạo ra nhiều thay đổi về diện mạo nông thôn của các địa phương, thúc đẩy sản xuất kinh tế, mang lại no ấm cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Đường giao thông nông thôn của tỉnh được cứng hóa là hơn 6.110 km

Xác định giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp cùng các ngành, địa phương tại tỉnh Hòa Bình đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, đặc biệt là huy động được sự vào cuộc tích cực, chủ động của người dân. Nhờ đó đã có nhiều tuyến đường bê tông kiên cố được hình thành; hệ thống giao thông liên thôn, bản vùng cao, vùng sâu đã ngày càng trở lên hoàn thiện.

Tại xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) chúng tôi không khỏi ấn tượng trước những con đường bê tông, đường nhựa cấp phối bằng phẳng, hai bên đường rợp sắc hoa... Bí thư Đảng ủy xã, Bùi Văn Hùng chia sẻ, năm 2019, Vĩnh Đồng được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. Với sự đầu tư của các cấp và tinh thần trách nhiệm chung của bà con nhân dân trong xã, đến nay Vĩnh Đồng đã có hệ thống giao thông nông thôn khá toàn diện, có trường học khang trang, sân vận động, nhà văn hóa, sân thể thao rộng rãi. Bà con năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của xã tăng lên 33 triệu đồng...

Tìm hiểu được biết, không riêng xã Vĩnh Đồng mà ở hầu hết các địa phương của tỉnh Hòa Bình, trên cơ sở nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới và lồng ghép các nguồn vốn khác, hệ thống hạ tầng nông thôn đã được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây dựng ngày càng đồng bộ, hoàn thiện với nhiều tuyến đường trục xã, liên xã, trục thôn, xóm, đường ngõ xóm, bản và nội đồng. Qua đó, từng bước đáp ứng được nhu cầu đi lại, giao thương của người dân; thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương; đồng thời góp phần kiến tạo nên diện mạo nông thôn mới ngày càng khang trang, hiện đại, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Thực tế khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, đại đa số đơn vị hành chính cấp xã ở Hòa Bình đều gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại do điểm xuất phát thấp. Qua rà soát, năm 2011 đánh giá hiện trạng nông thôn tại 191 xã trên toàn tỉnh, so sánh với bộ tiêu chí Nông thôn mới, mới có hai xã đạt 10 tiêu chí, 124 xã dưới 5 tiêu chí. Số tiêu chí bình quân tại thời điểm đánh giá mới đạt 4,4 tiêu chí/xã. Các tiêu chí chưa đạt đều là những tiêu chí hết sức khó khăn, cần nguồn lực lớn, như: giao thông nông thôn, thuỷ lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hoá, y tế, hộ nghèo...

Với chủ trương lãnh đạo đúng đắn và quyết tâm chính trị cao, đến nay sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của tỉnh Hòa Bình đã có nhiều khởi sắc. Trong đó, điểm nổi bật là hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn đã ngày càng đồng bộ, hoàn thiện. Toàn tỉnh đã nâng cấp, sửa chữa, xây mới, cứng hóa trên 4.000 km đường trục xã, liên xã, trục thôn, xóm, đường ngõ xóm, bản và nội đồng, nâng tổng số km đường giao thông nông thôn được cứng hóa lên hơn 6.110 km…

Chị Bùi Thị Thơm ở xã Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn cho biết: “Từ khi xây dựng nông thôn mới, mọi người dân trong xã đều rất phấn khởi vì không còn cảnh đường liên xóm, liên bản bị ngập lội; giao thông đi lại thuận lợi còn tạo điều kiện để bà con mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất vì việc tiêu thụ nông sản hàng hóa cũng dễ dàng hơn trước đây”.

Mới đây, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hòa Bình đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án cứng hóa đường giao thông nông thôn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, kế hoạch năm 2022 tỉnh Hoà Bình sẽ cứng hóa bằng bê tông xi măng 49,2 km. Trong đó các huyện như: Lương Sơn, Đà Bắc, Tân Lạc, Mai Châu, Lạc Sơn, Kim Bôi, Lạc Thuỷ đăng ký cứng hoá 5 km/huyện. Huyện Cao Phong, Yên Thuỷ đăng ký cứng hoá 6 km/huyện, TP. Hoà Bình đăng ký cứng hoá 2,21 km. Tổng kinh phí thực hiện cứng hoá, đường giao thông nông thôn từ ngân sách địa phương hỗ trợ trên 22,1 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh 15 tỷ đồng (gồm nguồn vốn sự nghiệp giao thông năm 2022 là 5 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư trên cơ sở khả năng tăng thu nguồn vốn trong cân đối ngân sách địa phương 10 tỷ đồng); ngân sách huyện hơn 7,3 tỷ đồng.

Theo đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình, dựa trên những kết quả đã đạt được ở giai đoạn 2017 - 2020, trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án cứng hoá đường giao thông nông thôn tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2021 - 2025. Tiếp tục phát huy vai trò của các địa phương trong việc thực hiện Đề án gắn với thực tiễn, huy động sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp và người dân. Phương pháp thực hiện là đối với các tuyến đường có yêu cầu kỹ thuật không cao có sẵn thiết kế mẫu, khu vực tập trung đông dân cư ưu tiên thực hiện bằng hình thức "Nhà nước hỗ trợ, nhân dân tự làm". Còn các tuyến đường có yêu cầu kỹ thuật cao, qua khu vực dân cư thưa thớt sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ toàn bộ chi phí.

Tiếp tục tập trung phát triển hệ thống giao thông nông thôn tại cơ sở là hướng đi hiệu quả. Tăng cường đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây mới, hệ thống giao thông nông thôn tại cơ sở của tỉnh Hòa Bình đã và đang trở thành những "cung đường ấm no, phát triển", trực tiếp mở ra cơ hội giao thương thuận lợi; tạo ra những điều kiện để các địa phương, nhất là khu vực vùng sâu, vùng cao của tỉnh phát triển kinh tế xã hội, từng bước hiện thực hóa các mục tiêu mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định./.