DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Hòa Bình: Thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia dân số - kế hoạch hóa gia đình

12/04/2016 00:00
Qua 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) giai đoạn 2011 - 2015, công tác Dân số - KHHGĐ trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật như: Nhận thức của người dân có bước chuyển biến rõ rệt, ngày càng nhiều cặp vợ chồng tự giác thực hiện quy mô gia đình nhỏ có một hoặc hai con, là tỉnh đã đạt mức sinh thay thế và duy trì vững chắc xu thế giảm sinh, đã tác động trực tiếp có hiệu quả đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tuyên truyền về SKSS/KHHGĐ cho các phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ

Với mục tiêu từng bước nâng cao chất lượng dân số, thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của ngành trong lĩnh vực DS- -KHHGĐ, từ đó ý thức của người dân về thực hiện các chính sách DS - KHHGĐ được nâng lên. Ngoài ra, UBND tỉnh giao Ban Chỉ đạo công tác DS - KHHGĐ có văn bản hướng dẫn các thành viên BCĐ và các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch truyền thông, giáo dục thường xuyên cho các địa bàn đặc thù, địa bàn có mức sinh cao, địa bàn khó tiếp cận... Trong 5 năm qua, Chi cục DS - KHHGĐ đã sản xuất và nhân bản đ­ược 1.600 đĩa truyền thông, làm mới 36 cụm pa nô và sửa chữa 04 cụm pa nô truyền thông, 750 bộ áp phích tuyên truyền, 23.495 cuốn sách mỏng, 180.500 tờ rơi….

Bên cạnh đó, hệ thống DS - KHHGĐ đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tốt các đợt triển khai Chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho các phụ nữ tại vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn và vùng đông dân. Bên cạnh việc vận động, tư vấn đối tượng đến khám điều trị còn được cung cấp các dịch vụ về KHHGĐ, các Trung tâm DS - KHHGĐ huyện còn phối hợp với các đơn vị như: Trung tâm tư vấn dịch vụ, Bệnh viện Đa khoa huyện, Trung tâm YTDP triển khai khám siêu âm cho nhân dân, góp phần giúp người dân được tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ y tế, tăng cao tỷ lệ sử dụng các BPTT hiện đại. Hiện toàn tỉnh đã có 10 cơ sở thực hiện kỹ thuật đình sản; 100% trạm y tế thực hiện cung cấp thuốc tiêm tránh thai; 86,7% trạm y tế xã, phường, thị trấn có y cụ đặt vòng tránh thai, hút thai, khám và điều trị các bệnh phụ khoa, đảm bảo chất lượng dịch vụ. Việc cung ứng phương tiện tránh thai thường xuyên, kịp thời và đầy đủ.

Năm 2015, Hòa Bình bắt đầu triển khai hoạt động sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia DS - KHHGĐ. Các hoạt động được triển khai nhằm truyền thông để nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng về sàng lọc trước sinh và sơ sinh, giúp cho các cặp vợ chồng, đặc biệt là phụ nữ mang thai thấy được tầm quan trọng của việc sàng lọc trước sinh, sơ sinh và tham gia thực hiện sàng lọc. Hiện tại, đã cung cấp dịch vụ sàng lọc cho một số địa bàn như: Thành phố Hòa Bình, Kỳ Sơn, Lương Sơn. Từ đó sẽ nhân rộng đến các địa bàn khác trong những năm tiếp theo...

Để thực hiện có hiệu quả công tác DS - KHHGĐ giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Hòa Bình sẽ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền; triển khai, quán triệt sâu rộng đến tất cả cán bộ lãnh đạo, đảng viên và nhân dân, tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia DS - KHHGĐ với các chỉ tiêu cụ thể như:  Giữ vững mức sinh thay thế, duy trì số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ≤ 2,1 con; Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên ở mức 1%; Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở khoảng 5%; Tỷ số giới tính khi sinh ở mức dưới 115 trẻ trai/100 trẻ gái (phấn đấu bằng mức trung bình chung của toàn quốc); Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 75%; Tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh 20%; Tỷ lệ trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh 30%. Qua đó, tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục tăng cường công tác truyền thông chuyển đổi hành vi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về công tác DS - KHHGĐ và kỹ năng truyền thông cho đội ngũ cán bộ làm công tác này. Đa dạng hoá các hình thức, nội dung truyền thông tại cộng đồng, từng bước thay đổi nhận thức, lựa chọn những hành vi có lợi cho sức khoẻ nói chung và sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục, kế hoạch hoá gia đình nói riêng. Đồng thời triển khai thực hiện tốt các đề án, mô hình nâng cao chất lượng dân số, góp phần nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ và tinh thần đáp ứng cho quá trình xây dựng và phát triển./.