Ông Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi Cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hòa Bình cho biết, sản xuất nông nghiệp tỉnh Hòa Bình đến nay đã có những bước phát triển chặt chẽ, với sự gắn kết chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng nâng cao thu nhập, gắn với đảm bảo an ninh lương thực. Cơ cấu cây trồng tiếp tục được chuyển đổi theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây có giá trị kinh tế cao, cây trồng sử dụng ít nước tưới, có đầu ra ổn định như: Chuyển đổi trồng các loại rau họ bầu bí (bí xanh, dưa chuột, rau lấy quả khác) tại huyện Kim Bôi, Yên Thủy, Lạc Thủy, Lạc Sơn cho thu nhập trung bình 120 - 150 triệu đồng/ha/năm; mô hình chuyển đổi sang trồng cỏ, ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi tại Tân Lạc, Cao Phong, Lạc Sơn, Kim Bôi... cho thu nhập 80 - 100 triệu đồng/ha/năm.
Diện tích cây ăn quả lâu năm của tỉnh hiện có khoảng trên 15 ngàn ha, đã hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có quy mô lớn. Nhiều chuỗi giá trị nông sản có giá trị gia tăng cao được hình thành (thu nhập bình quân lĩnh vực trồng trọt đạt trên 140 triệu đồng/ha/năm).
Với những kết quả đã đạt được, việc đẩy nhanh phát triển nông nghiệp hiện nay cũng tác động nhất định đến môi trường sinh thái. Ông Nguyễn Hồng Yến cũng nêu rõ: Việc gia tăng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất trồng trọt; phát thải các sản phẩm phụ trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đã làm ô nhiễm môi trường sống; thoái hóa, xói mòn đất canh tác; cạn kiệt nguồn tài nguyên nước mặt.
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình, thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, mục tiêu phát triển xanh, bền vững của ngành nông nghiệp, thời gian qua tỉnh Hòa Bình đã triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, đã thực hiện áp dụng giải pháp thâm canh lúa cải tiến (SRI), tập trung vào các giải pháp như cấy 1 dảnh, bón phân cân đối, tưới tiết kiệm... (diện tích áp dụng hàng năm trên 20 ngàn ha). Trên cây ăn quả có múi áp dụng các giải pháp tưới tiết kiệm (công nghệ tưới nhỏ giọt quấn quanh gốc, trải theo hàng; công nghệ tưới phun mưa với công nghệ của Israel, Hàn Quốc...). Trong sản xuất rau màu việc áp dụng tưới tiết kiệm chủ yếu bằng các giải pháp màng phủ nilon.
Cùng với đó, ứng dụng kỹ thuật IPM (quản lý dịch hại tổng hợp); ICM (quản lý cây trồng tổng hợp). Tổng diện tích ứng dụng IPM toàn phần chiếm khoảng 20% tổng diện tích gieo trồng; diện tích ứng dụng IPM một phần chiếm khoảng 80% tổng diện tích (cây ăn quả có múi có trên 70% diện tích được ứng dụng IPM từng phần; trên 80% số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM. Diện tích được chứng nhận ATTP, VietGAP, hữu cơ đến nay là trên 2.300ha, chiếm khoảng 20% diện tích toàn tỉnh. Cây rau có trên 70% diện tích được ứng dụng IPM đầy đủ; trên 80% số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM; cây lương thực lấy hạt (lúa, ngô) có trên 90% diện tích được ứng dụng IPM từng phần…
Ngành nông nghiệp cũng đã hướng dẫn người dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật trong xử lý sản phẩm phụ nông nghiệp nhằm hạn việc chế đốt rơm rạ, xả thải các chất thải chăn nuôi chưa xử lý ra môi trường như tận dụng nguồn rơm rạ, phản phẩm phụ trồng trọt làm phân bón; chăn nuôi tập trung nhằm tập dụng nguồn chất thải phục vụ sản xuất trồng trọt (80% sản phẩm rơm, rạ trong sản xuất lúa được xử lý làm phân bón và chất độn trong chăn nuôi; 100% các cơ sở chăn nuôi tập trung trên địa bàn tỉnh có hệ thống thu gom, xử lý chất thải làm phân bón phục vụ trồng trọt hoặc được xử lý qua hệ thống bể Bioga).
Bên cạnh đó, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề lao động nông nghiệp; tạo dựng mối liên kết 4 nhà: Nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp và nhà nông trong sản xuất.
Tỉnh cũng tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người nông dân, đến nay đã đã in và cấp phát 18.750 tờ rơi về hướng dẫn sử dụng và thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; có khoảng 1.537 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật. Tỷ lệ thu gom chiếm khoảng 15% tổng số lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật toàn tỉnh.
Ông Hà Ngọc Tuyền - Giám đốc Công ty TNHH Một thanh viên Cao Phong Hòa Bình cho biết, những năm gần đây công ty đã áp dụng kiến thức IPM (quản lý cây trồng tổng hợp) trên cây có múi cho người lao động. Nhờ vậy, công nhân và các hộ nhận khoán với Công ty đã ý thức được tầm quan trọng trong đầu tư thâm canh tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, biết bảo vệ và giữ uy tín thương hiệu sản phẩm Cao Phong. Các khâu canh tác đầu tư phân bón chủ yếu tăng lượng hữu cơ như phân chuồng và phân vi sinh, giảm thiểu việc dùng phân vô cơ. Trong bảo vệ thực vật, Công ty chủ yếu dùng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học và các loại thuốc độc tố thấp, thực hiện đúng thời gian cách ly an toàn trước thu hoạch để bảo đảm chất lượng sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Chính vì vậy, những năm gần đây, năng suất và sản lượng sản phẩm của Công ty liên tục tăng cao, chất lượng và mẫu mã sản phẩm cũng được cải thiện...
Bà Đinh Thị Quyết, Chủ nhiệm Hợp tác xã Rau an toàn Quyết Chiến, huyện Tân Lạc cho biết: "Để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chúng tôi đã quán triệt, có hương ước đến các thành viên trong Hợp tác xã không dùng thuốc diệt cỏ. Nhờ đó, sản phẩm rau su su của Hợp tác xã với chất lượng an toàn VietGAP, có đầy đủ tem nhãn, bao bì đã vươn tới thị trường lớn, được người tiêu dùng ưa chuộng. Các đơn vị phân phối lớn như Vinmart và một số siêu thị, cửa hàng rau sạch ở Thủ đô Hà Nội ký hợp đồng nhập hàng. Đến nay, Hợp tác xã sản xuất RAT Quyết Chiến đã tạo được thị trường đầu ra ổn định, đảm bảo cuộc sống cho hàng chục hộ xã viên sản xuất trồng rau an toàn, với thu nhập ổn định, bền vững".
Để thực hiện tốt định hướng phát triển nông nghiệp xanh, phát thải thấp, thích ứng biến đổi khí hậu trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình sẽ tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp như: Nâng cao kỹ năng, kỹ thuật cho cán bộ cơ sở và đội ngũ nông dân nòng cốt về IPM thông qua các lớp học hiện trường và thực nghiệm trên đồng ruộng; Đẩy mạnh công tác chứng nhận sản phẩm đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm gắn với việc cấp mã số vùng trồng; Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, giải pháp bón phân, tưới nước tiết kiệm vào sản xuất; Ứng dụng công nghệ thông tin, phối hợp, kết hợp với hệ thống thông tin đại chúng để đẩy nhanh công tác tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn người dân áp dụng các giải pháp tiên tiến trong sản xuất nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên đất, nước; Giảm lạm dụng hóa chất trong sản xuất, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái.
Các địa phương cũng tăng cường áp dụng các giải pháp quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, quản lý sức khỏe đất: Ứng dụng các tác nhân sinh học trong xử lý sản phẩm phụ, chất thải nông nghiệp phục vụ sản xuất và phòng trừ dịch hại (phân bón vi sinh, vi sinh vật đối kháng...); Huy động tối đa mọi nguồn lực, thu hút các nguồn lực đầu tư của các doanh nghiệp, đóng góp của nông dân, người sản xuất bằng tiền, vật tư, lao động... để đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất./.