Cụ thể, về xây dựng và phát triển toàn diện nhân cách con người, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Ngoài ra, thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa; tập huấn nâng cao nghiệp vụ; tạo điều kiện cho cán bộ học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ các chuyên ngành.
Tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục về nhân cách - thẩm mỹ - tri thức nhằm xây dựng con người hướng tới những giá trị chân - thiện - mỹ. Thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh chống âm mưu "diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa và chống quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo quản lý tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đảm bảo trang trọng, đúng quy định, đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc và tín ngưỡng với những nội dung đặc sắc, thu hút đông đảo nhân dân đến tham quan, chiêm bái. Đấu tranh loại trừ các sản phẩm văn hóa độc hại, các hành vi tiêu cực, cơ hội, các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội được các cấp tích cực thực hiện tốt.
Về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, ông Nguyễn Văn Toàn cho biết: UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; nâng cao chất lượng thực hiện các tiêu chí công nhận "Gia đình văn hóa", "Làng văn hóa", "Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa" gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đi vào chiều sâu.
Chú trọng nhân rộng gia đình văn hóa, xóm, bản, khu dân cư văn hóa. Toàn tỉnh có gần 90% hộ gia đình được công nhận Danh hiệu "Gia đình văn hóa", trên 90% khu dân cư đạt tiêu chuẩn khu dân cư văn hóa, trên 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; có 11 nhà văn hóa cấp huyện, 120 nhà văn hóa xã, 1.550 nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố và khu thể thao thôn, xóm, tổ dân phố.
Từ ngày 04/11/2019, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 45/2019/QĐ-UBND về quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh. Trong đó, quy định các nghi lễ trong đám cưới được tổ chức trang nghiêm và giữ được thuần phong mỹ tục. Việc tổ chức tang lễ đảm bảo đúng giờ giấc, an ninh trật tự, dần loại bỏ các hủ tục rườm rà, tốn kém, lạc hậu. Các lễ hội được tổ chức đúng quy định, giữ gìn nét văn hóa, bản sắc văn hóa của dân tộc. Công tác chỉ đạo thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hòa Bình, nhận thức được vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố hệ thống chính trị là nhiệm vụ quan trọng để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra, việc xây dựng văn hóa trong kinh tế được các cấp, các ngành đẩy mạnh thực hiện, nhất là cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế, tạo lập môi trường pháp lý, thị trường sản phẩm văn hóa minh bạch, tiến bộ, hiện đại.
Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp được quan tâm chỉ đạo trên cơ sở ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả, quan tâm đến quyền lợi người lao động, nghĩa vụ với Nhà nước, địa phương, giữ uy tín đối với các đối tác để sản xuất, kinh doanh phát triển bền vững. Hoạt động xây dựng phát triển thương hiệu cho các sản phẩm hàng hóa tại địa phương được xác định là hướng đi chiến lược nhằm tăng khả năng cạnh tranh trong thương mại, thúc đẩy khai thác tiềm năng phát triển kinh tế của địa phương. UBND tỉnh cũng chỉ đạo tiếp tục đổi mới và nâng cao năng lực công tác quản lý Nhà nước về văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh; gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh với nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hoá. Chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, hoạt động quản lý, phát triển thị trường văn hóa gắn với thu hút đầu tư phát triển du lịch từng bước được đẩy mạnh.
Cụ thể, triển khai nghiên cứu, xây dựng và phê chuẩn Bộ chữ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình năm 2016 đi liền với việc tổ chức các lớp truyền dạy bộ chữ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình. Triển khai kế hoạch bảo tồn di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình; chủ trì phối hợp với các tỉnh, thành phố liên quan lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh trong danh mục di sản văn hóa phí vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Ngoài ra, tỉnh cũng rất chú trọng đề nghị các địa phương triển khai thực hiện quy định quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Toàn tỉnh hiện có 41 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 61 di tích cấp tỉnh, hơn 102 điểm di tích được bảo vệ. Các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được chú trọng gìn giữ, phát huy. Đến nay, tỉnh đã có 4 di sản văn hóa phi vật thể được trao bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Mo Mường Hòa Bình; Nghệ thuật Chiêng Mường Hòa Bình; Lễ hội Khai Hạ; Lịch Tre của người Mường Hòa Bình.
Toàn tỉnh đã có 1.482 đội văn nghệ tại thôn, xóm, tổ dân phố với hàng chục nghìn diễn viên, nghệ nhân không chuyên, bình quân mỗi năm các đội văn nghệ quần chúng đã tổ chức biểu diễn khoảng 10.000 buổi phục vụ trên 2 triệu lượt người xem. Tiêu biểu có những xóm làm du lịch cộng đồng có đến 6 đội văn nghệ thường xuyên biểu diễn phục vụ khách du lịch. Thông qua các hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng đã từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của Nhân dân, góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Hòa Bình, đồng thời khai thác phát triển du lịch nâng cao đời sống cho người dân vùng sâu, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030", ngày 12/4/2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 39/KH-UBND thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình". Theo đó, đề ra các nhiệm vụ cụ thể cho từng lĩnh vực như: Quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, thiết kế thời trang, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm. Trong đó, du lịch văn hóa trở thành ngành kinh tế dịch vụ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng chỉ đạo triển khai kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; đầu tư cho phát triển các làng nghề, dịch vụ văn hóa, sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch. Hiện nay, tỉnh đang mời gọi, thu hút đầu tư các dự án phát triển du lịch để hình thành các khu, điểm du lịch có chất lượng cao, trọng tâm là phát triển khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình và các địa phương có tiềm năng như Kim Bôi, Lạc Sơn, Lạc Thủy...
Cùng với đó, UBND tỉnh đã ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện các Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 15/3/2022 thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 66/KH-UBND, ngày 19/4/2022 thực hiện Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 05/5/2022 thực hiện Chiến lược văn hóa đối ngoại tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2022 - 2026.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tỉnh Hòa Bình đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch nói chung, loại hình du lịch văn hóa nói riêng, hướng vào khai thác hiệu quả những tiềm năng du lịch văn hóa của tỉnh; kết hợp với công tác tu bổ, bảo vệ và từng bước phát huy tốt các di tích, danh thắng trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường thực hiện các hoạt động xúc tiến, quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch của tỉnh./.