DetailController

Kinh tế

Hòa Bình tăng hiệu quả quản lý chất lượng sản phẩm nông lâm thủy sản

30/08/2022 00:00
Năm thứ ba liên tiếp tỉnh Hòa Bình được đánh giá có chỉ số cao về công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Tỉnh Hòa Bình xếp thứ 2/63 tỉnh (đạt 92,5 điểm), thành phố về chỉ số đánh giá triển khai công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản (theo Thông báo số 2267, ngày 14/4/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình tới thăm khu nuôi trồng thủy sản của Công ty TNHH Thủy sản Maivin Hòa Bình

Đây là năm thứ ba liên tiếp tỉnh Hòa Bình được đánh giá có chỉ số cao về công tác này, nằm trong nhóm địa phương triển khai tốt (năm 2020 xếp thứ nhất toàn quốc với 92 điểm, năm 2019 xếp thứ 7 toàn quốc với 87.5 điểm). Kết quả này khẳng định chất lượng nông sản và những nỗ lực trong công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh.

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông sản lâm sản và thủy sản tỉnh Hòa Bình, nhằm tăng cường vai trò quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, vận động toàn dân tự giác, có trách nhiệm thực hiện các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm.Đồng thời, ngăn chặn được tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, Chi cục đã ban hành Chương trình hành động số 489/CTHĐ-QLCL về thực hiện công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 tất cả cơ sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm; trên 70% số cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản được lấy mẫu giám sát về an toàn thực phẩm; tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát tại vùng sản xuất trong tỉnh vi phạm các quy định an toàn thực phẩm giảm 10%/năm.

Trên 50% sản phẩm nông sản chủ lực, có tiềm năng, lợi thế được tiêu thụ tại các siêu thị, hệ thống bán lẻ, chợ đầu mối của thành phố Hà Nội và một số tỉnh thành có sức tiêu thụ lớn. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu nông sản chủ lực, có tiềm năng, lợi thế của tỉnh đạt 60% là sản phẩm chế biến.... Tầm nhìn đến năm 2045, sẽ đảm bảo công tác an toàn thực phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của nhân dân; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh Hòa Bình tại thị trường trong nước và quốc tế.

Đồng thời, phát triển công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản của tỉnh.

Để thực hiện các mục tiêu trên, tỉnh sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: tăng cường thông tin tuyên truyền, phổ biến tới người sản xuất, người tiêu dùng, các cơ sở kinh doanh thực phẩm về quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất nhằm nâng cao trách nhiệm, ý thức toàn dân trong đảm bảo an toàn thực phẩm. Cùng đó, triển khai các chương trình giám sát đối với các sản phẩm nông lâm thủy sản có nguy cơ cao như rau, quả, chè, thịt lợn, thịt gà và thủy sản. Bên cạnh đó, lấy mẫu tại các vùng trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; các xe vận chuyển, cung cấp nông sản; các sản phẩm chế biến và bao gói sẵn để kiểm định chất lượng đối với các chỉ tiêu đã công bố...

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình cũng đã có nhiều chương trình hợp tác đảm bảo công tác an toàn thực phẩm với các tỉnh, đặc biệt là với thành phố Hà Nội. Qua đó, nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh Hòa Bình đã có nhiều mặt hàng thế mạnh được hệ thống các siêu thị, Trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội bày bán.

Đến nay, tỉnh có 100 sản phẩm của 81 chủ thể được UBND tỉnh Hòa Bình công nhận đạt sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; có 46 nhãn hiệu được chứng nhận và bảo hộ trên thị trường; 100 cơ sở sản xuất, kinh doanh được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng an toàn.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hòa Bình, Vương Đắc Hùng, từ việc phối hợp kết nối giữa tỉnh Hòa Bình và thành phố Hà Nội, đến nay đã có nhiều mặt hàng có thể mạnh của Hòa Bình đã vào được hệ thống các siêu thị, Trung tâm thương mại lớn của Hà Nội.

Việc tổ chức các chương trình tuần lễ, hội chợ, diễn đàn... tại Hà Nội đã tạo ra điểm giao thương và kết nối tiêu thụ sản phẩm đối với các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn.

Qua đó, các sản phẩm chủ lực và có lợi thế của tỉnh Hòa Bình như: cá sông Đà, cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, rau hữu cơ, gà đồi... đã cung ứng vào các siêu thị, hệ thống bán lẻ tại Hà Nội, được người dân thủ đô chấp nhận và đánh giá cao./.