DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Hòa Bình: Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch cúm A

22/04/2013 00:00
Là một trong những địa phương nằm ở cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội nên việc vận chuyển, buôn bán gia cầm qua địa bàn khá nhiều. Bên cạnh đó, nhiều địa phương người dân vẫn còn tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ trong hộ gia đình. Đây là một trong những điều kiện quan trọng làm tăng nguy cơ bệnh cúm A H5N1 xuất hiện. Để chủ động phòng chống dịch, ngay từ các cơ quan chức năng trong tỉnh đã và đang tập trung nhiều giải pháp nhằm hạn chế tới mức thấp nhất dịch bệnh xuất hiện trên địa bàn.

 Những ngày qua, vi rút cúm mới là H7N9 bắt đầu xuất hiện tại Trung Quốc với số trường hợp người nhiễm vi rút này ngày một gia tăng. Đến nay, theo Ủy ban Kế hoạch gia đình và y tế Trung Quốc thì nước này đã phát hiện gần 100 trường hợp người bị nhiễm vi rút H7N9 tại Thượng Hải, An Huy, Giang Tô, Triết Giang, trong đó đã có hàng chục ca tử vong. Đặc biệt, cơ quan thú y nước này cũng đã phát hiện chủng vi rút H7N9 trên chim bồ câu tại Thượng Hải. Ngoài ra, tại Việt Nam mặc dù chưa phát hiện chủng vi rút cúm gia cầm H7N9, nhưng gần đây đã xuất hiện các ổ dịch cúm A H5N1 trên đàn chim Yến ở thành phố Phan Rang-Tháp Chàm tỉnh Ninh Thuận; hay trên đàn chim Trĩ tại tỉnh Tiền Giang và trên đàn gia cầm tại một số địa phương. Đồng thời trong những ngày qua, các cơ quan chức năng tại tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh đã tổ chức bắt giữ, tiêu hủy hàng chục nghìn con gà giống và hàng tấn gà thải loại nhập lậu qua biên giới. Điều đáng nói, bệnh cúm A/H5N1 đã làm 1 cháu bé chết ở tỉnh Đồng Tháp.

Có thể nói, trong khi Việt Nam đang áp dụng các biện pháp không để cúm A H7N9 từ Trung Quốc xâm nhập vào trong nước thì Việt Nam cũng đối mặt với nguy cơ dịch cúm H5N1 trên gia cầm tiếp tục phát sinh là rất cao. Sở dĩ có nguy cơ cao này là do nước ta có nhiều đàn thủy cầm được nuôi thả đồng, ăn chung với chim hoang làm tăng nguy cơ bị nhiễm vi rút cúm từ chim hoang hoặc lây nhiễm vi rút cúm cho chim hoang, làm mầm bệnh phát tán trên diện rộng. Ngoài ra, nước ta chưa đảm bảo 100% đàn gia cầm được tiêm phòng (do nuôi nhỏ lẻ, chăn thả trên đồng nên khó bắt, chưa kịp tiêm bổ sung…). Các hoạt động vận chuyển gia cầm lậu vẫn chưa chấm dứt.

Theo ông Lương Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hòa Bình, trước diễn biến phức tạp với sự xuất hiện nhiều ổ dịch cúm A H5N1 ở gia cầm tại nhiều địa phương, đặc biệt là dịch cúm H7N9 tại Trung Quốc và các hoạt động vận chuyển bất hợp pháp gia cầm qua biên giới ngày càng tinh vi. Hiện nay, tỉnh Hòa Bình đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tất cả các trường hợp vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm vào địa bàn tỉnh để tiêu thụ. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng tổ chức ngăn chặn, xử lý nghiêm túc mọi trường hợp vận chuyển lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm, các loại chim nuôi, chim cảnh vận chuyển vào địa bàn. Ngoài ra, Chi cục Thú y cũng đề nghị Trạm thú y các huyện, thành phố trên địa bàn phối hợp với chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng trên địa bàn như công an, quản lý thị trường ngăn chặn mọi trường hợp vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm, các loại chim nuôi, chim cảnh ra và địa bàn tinh; tổ chức lấy mẫu để xét nghiệm tìm vi rút cúm trước khi tiêu hủy các lô hàng bị bắt giận. Tổng hợp và nắm số lượng tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trong và ngoài tỉnh hoạt động trên địa bàn; phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan có thẩm quyền, xử lý động vật, sản phẩm động vật vận chuyển không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y; tổ chức lấy mẫu gia cầm sống tại các chợ, khu vực xung quanh điểm trung chuyển, tập kết gia cầm lậu…gửi mẫu xét nghiệm để có hướng xử lý kịp thời. Đồng thời tổng hợp và nắm số lượng tổ chức, cá nhân buôn bán vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trong và ngoài tỉnh hoạt động trên địa bàn; phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan có thẩm quyền, xử lý động vật, sản phẩm động vật vận chuyển không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y…

Ngoài ra, các địa phương cũng đang dốc sức cho chiến dịch tiêm phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, tổ chức phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại và các điểm vận chuyển, kinh doanh, buôn bán gia súc, gia cầm. Theo báo cáo từ các địa phương, đã tổ chức tiêm phòng dịch vụ cho đàn gia cầm với số lượng 152.434 liều, tăng 50.570 liều so với cùng kỳ. Kết quả tiêm phòng dịch vụ cũng thể hiện vấn đề ý thức, nhận thức phòng bệnh cho gia cầm của người dân đang được nâng lên. Từ đầu năm đến nay, với việc kiểm soát chặt tình hình vận chuyển, kinh doanh gia cầm, chủ động trong phòng bệnh cho đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện gia cầm ốm, bệnh do nhiễm vi rút cúm A/H5N1, H1N1, một số bệnh dịch khác cũng không có cơ hội xâm nhập, bùng phát.

Đặc biệt, các chốt kiểm dịch trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiệm vụ bám chốt 24/24 giờ, kiểm soát toàn bộ số lượt phương tiện và lượng gia cầm vận chuyển qua chốt không để dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào. Trạm kiểm dịch động vật trực thuộc Chi cục Thú y tỉnh phối hợp tốt với hệ thống các chốt trong kiểm tra, kiểm soát gia cầm. Theo thống kê từ đầu năm đến nay, trạm kiểm dịch và các chốt đã kiểm soát lượng gia cầm ra, vào địa bàn với lũy kế tăng hàng tháng. Tổng cộng kiểm dịch được hơn 1,5 triệu con gà, vịt các loại, trong đó có 895.100 con gia cầm giống, 463.000 con gà, vịt thương phẩm; 3,1 triệu quả trứng, trong đó có 2,2 triệu quả giống và 42.599 quả thương phẩm.

Bên cạnh đó, để chủ động phòng chống dịch cúm A/H7N9, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường khám, phát hiện các trường hợp mắc viêm phổi nặng, không rõ nguyên nhân, các chùm bệnh để chụp X quang, lấy mẫu xét nghiệm, chẩn đoán kịp thời những trường hợp cúm A/H7N9. Các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, khu vực cách ly, tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị ca bệnh cúm theo quy định; củng cố nguồn nhân lực đã được đào tạo về điều trị cho người mắc bệnh cúm A tại các khoa hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, kiểm soát nhiễm khuẩn…Chỉ đạo các Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và các huyện, thành phố tăng cường tổ chức kiểm tra, chỉ đạo giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch cúm; phối hợp chặt chẽ với bệnh viện, điều tra lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng. Đồng thời giám sát chặt chẽ các trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân, đặc biệt chú ý khách nhập cảnh từ vùng có ca bệnh, xử lý triệt để khi có dịch xảy ra; phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương trong giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời ổ dịch cúm trên gia cầm; chuẩn bị sẵn sàng đội cơ động, nhân lực, thuốc, hóa chất, vật tư cho công tác chống dịch khi cần thiết.