Thời gian qua tỉnh đã xây dựng mục tiêu phát triển cụ thể các nhóm sản phẩm trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp gồm: Nhóm sản phẩm nằm trong danh mục sản phẩm chủ lực Quốc gia (lúa gạo chất lượng cao, cây ăn quả có múi, cây chè, cây rau, cây sắn, thịt lợn và chăn nuôi gia cầm); Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh (cây mía, cây dược liệu, cá nuôi lồng, gỗ, sản phẩm từ gỗ, chăn nuôi trâu bò chất lượng cao và chăn nuôi dê); Nhóm sản phẩm đặc sản địa phương và lợi thế vùng miền (gắn với các sản phẩm OCOP). UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2987/QĐ-UBND ngày 30/12/2019, về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của Đề án chuyển hóa đất canh tác hiện có sang canh tác đáp ứng các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản hữu cơ được chứng nhận có lợi thế của địa phương. Ngoài ra tỉnh ban hành các quy hoạch, đề án phát triển sản xuất các cây trồng chủ lực, thế mạnh của tỉnh. Đã phê duyệt đề án điều tra, xây dựng bản đồ thổ nhướng và phan tích thích nghi đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình với 127.616 ha đã được khảo sát và phân tích. Đây là tiền đề để xác định vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ phù hợp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Qua rà soát, xác định có 7/10 huyện, thành phố có khu vực có khả năng đáp ứng để sản xuất hữu cơ trong trồng trọt. Tổng diện tích có khả năng sản xuất trồng trọt hữu cơ được đề xuất là 3.197,5 ha; trong đó: Huyện Đà Bắc 982 ha, huyện Lạc Thủy 679,5 ha, huyện Kim Bôi 640 ha, huyện Tân Lạc 328,5 ha, huyện Lạc Sơn 267 ha, huyện Yên Thủy 80 ha, thành phố Hòa Bình 220,5 ha. Các cây trồng đề xuất sản xuất hữu cơ rất đa dạng gồm: gạo đặc sản, cây có múi, rau các loại, chuối, mía tím, thanh long, cây dược liệu, na, gừng, khoai sọ… Đến tháng 6/2022, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 08 cơ sở được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam; 01 hợp tác xã và 01 liên nhóm chứng nhận theo tiêu chuẩn PGS trong trồng trọt; 01 doanh nghiệp chăn nuôi chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ của Nhật Bản; hiện chưa có cơ sở được chứng nhận hữu cơ trong nuôi trồng thủy sản. Cụ thể: Đối với chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam có 07 cơ sở sản xuất rau an toàn được chứng nhận với tổng diện tích 17,1 ha, tổng sản lượng đạt trên 335 tấn/năm; có 01 cơ sở sản xuất quả có múi được chứng nhận với quy mô 22,0 ha, sản lượng ước đạt 200 tấn/năm. Đối với chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS hiện có Liên nhóm sản xuất hữu cơ huyện Lương Sơn sản xuất rau các loại với diện tích 15,4 ha, sản lượng 200 tấn; HTX trồng bưởi hữu cơ và dịch vụ nông nghiệp Tân Đông sản xuất bưởi với diện tích 20 ha. Đối với chứng nhận hữu cơ trong chăn nuôi hiện có 01 doanh nghiệp được chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ Nhật Bản với diện tích 0,5 ha, sản lượng thịt lợn 23,4 – 30 tấn; sản phẩm trứng gà khoảng 4,2 tấn. Ngoài ra có 100,8 ha diện tích sản xuất trồng trọt đang trong quá trình chuyển đổi sản xuất tại 05 cơ sở. Các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được tiêu thụ tương đối tốt, chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường Hà Nội; sản phẩm được bán với giá cả khá tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Định hướng thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung, bố trí nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ với các chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020 – 2025 để thực hiện có hiệu quả. Tiếp tục duy trì diện tích sản xuất hữu cơ hiện có, mở rộng và chứng nhận diện tích sản xuất hữu cơ mới đáp ứng các tiêu chuẩn hiện hành. Phát triển đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất sản phẩm hữu cơ. Tập trung ưu tiêu các sản phẩm chủ lực có thế mạnh của tỉnh như nhóm cây có múi, nhóm rau ăn lá, nhóm rau ăn quả, mía, chè, chuối, thanh long, gạo đặc sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm…song song với đó là đẩy mạnh giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng các điểm bán sản phẩm hữu cơ. Tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản, đặc sản của địa phương đến các tỉnh thành trong nước và quốc tế./.