DetailController

Kinh tế

Hòa Bình: Phấn đấu đến năm 2025, giảm 50% xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn

15/09/2022 00:00
Sau khi Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Nghị quyết số 120/2020/QH14, ngày 19/6/2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) và Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 được ban hành nhằm. UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh để chỉ đạo, các ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố phối hợp tiến hành rà soát thực trạng KT-XH vùng nhằm mục tiêu thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS&MN so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2025, giảm 50% xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK); đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản ĐBKK.
Tỉnh Hòa Bình Phấn đấu đến năm 2025, giảm 50% xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản ĐBKK

Để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG, tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước. Quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của Nhân dân. Nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu.

Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an ninh trật tự cơ sở; củng cố, tăng cường khối Đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

Để đạt được những mục tiêu đó, tỉnh cũng đã đề ra các giải pháp cụ thể là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; tập trung đầu tư cho các xã có điều kiện thoát khỏi diện ĐBKK, các xã, thôn, xóm khó khăn nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, DTTS khó khăn nhất để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025.

Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS. Phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc…

Hài hòa các cơ chế, quy trình áp dụng thống nhất trong các dự án, tiểu dự án của Chương trình; ưu tiên lựa chọn các nội dung đầu tư có định mức cao hơn để tổ chức thực hiện đối với các đối tượng thụ hưởng; bảo đảm nguyên tắc không trùng lắp giữa các hoạt động, nội dung đầu tư của các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình đối với cùng một địa bàn, cùng một đối tượng thụ hưởng.

Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành. Đa dạng hóa nguồn lực, trong đó ngân sách nhà nước là quan trọng và có ý nghĩa quyết định, ưu tiên vận động các nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để hỗ trợ tối đa cho vùng đồng bào DTTS; huy động, khuyến khích sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Chương trình MTQG có 10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung đầu tư khác nhau được tích hợp từ nhiều chính sách trước đây. Do đó, cần nhiều văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện. Nhưng hiện nay, còn đang thiếu các văn bản hướng dẫn chi tiết từ các bộ, ngành Trung ương và địa phương để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình, gây ảnh hưởng đến công tác lập kế hoạch và chuẩn bị triển khai thực hiện. Trong khi đó, thời gian thực hiện kế hoạch năm 2022 còn rất ít.

Để Chương trình MTQG sớm được triển khai cụ thể và đi vào cuộc sống của người dân ở vùng đồng bào DTTS thì các bộ, ngành Trung ương cần kịp thời ban hành Thông tư, các văn bản hướng dẫn thực hiện mang tính đồng bộ cho cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia để gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Tài chính phân bổ kinh phí sự nghiệp hàng năm chỉ phân bổ tổng số kinh phí thực hiện Chương trình cho các địa phương và giao mục tiêu, nhiệm vụ. Trên cơ sở thực trạng, các địa phương cân đối phân bổ chi tiết cho các dự án thành phần để bảo đảm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình. Ủy ban Dân tộc hướng dẫn cụ thể quy định về định mức, phương thức thực hiện vốn đầu tư phát triển để thực hiện các nội dung hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất thuộc Dự án 1 của Chương trình. Do hiện nay vốn hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất của Chương trình MTQG quy định sử dụng vốn đầu tư phát triển. Nhưng nội dung hỗ trợ nhà ở của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững quy định sử dụng vốn sự nghiệp./.