DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Hòa Bình: Khuyến khích phát triển nghề, làng nghề truyền thống

25/07/2014 00:00
Trong những năm qua, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Góp phần nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo cho một bộ phận gia đình ở nông thôn. Việc phát triển các ngành nghề ở nông thôn một cách bền vững sẽ tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Làng nghề dệt thổ cẩm tại làng Lục, xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn

 Với sự nỗ lực của các cấp, ngành và các thành phần kinh tế, hộ nông dân trên địa bàn, ngành nghề nông thôn của tỉnh được phát triển về cả số lượng, đa dạng về nghề; giá trị sản xuất và xuất khẩu không ngừng tăng cao qua các năm ở nhiều lĩnh vực như: chế biến nông, lâm, thủy sản (lương thực, gỗ, chè, thủy sản); sản xuất vật liệu xây dựng (gạch, đá, xây dựng, đá xẻ); cơ khí nhỏ; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, mây tre đan; dệt thổ cẩm; xây dựng, vận tải, và du lịch…

Theo số liệu báo cáo của Dự án Quy hoạch Phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh có 20.612 cơ sở tham gia sản xuất ngành nghề nông thôn. Trong đó, các cơ sở làm xây dựng, vận tải trong nội bộ xã, liên xã, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất với 64,75%. Số cơ sở làm nghề chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản cũng chiếm tỷ lệ cao với 22,3%. Số cơ sở tham gia sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, cơ khí nhỏ chiếm 7,91%. Còn lại là các cơ sở xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; đào tạo, tư vấn, kinh doanh.

Hiện nay, số lao động ngành nghề nông thôn của tỉnh là 50.056 người. Trong đó, số lao động hoạt động trong nhóm ngành xây dựng, vận tải trong nội bộ xã, liên xã, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất là 64,46%. Lao động hoạt động trong nhóm ngành nghề chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản chiếm 15,96%. Số lao động tham gia ngành nghề sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, cơ khí nhỏ chiếm 13,89%.

Ngành nghề nông thôn của tỉnh đang từng bước chuyển dịch từ quy mô nhỏ mang tính truyền thống sang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển các loại các loại sản phẩm mới có chất lượng cao, được định hướng đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ, có đầu tư về máy móc hỗ trợ sản xuất nên nhiều sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao, không chỉ phục vụ thị trường trong vùng mà còn chiếm lĩnh được các thị trường rộng lớn khác trong và ngoài tỉnh.

Trong thời gian gần đây, các làng nghề của tỉnh ta đã và đang dần khôi phục, phát triển như: nghề nuôi ong, dệt thổ cẩm, nghề mây tre đan, chế biến các món ăn dân tộc, chế biến nông, lâm, thủy sản…. Xét về mặt kinh tế - xã hội, việc khôi phục lại các ngành nghề, làng nghề đi kèm theo là khôi phục, xây dựng và hình thành các tổ hợp tác, các hợp tác xã đã giải quyết được việc làm. Xét về góc độ văn hóa đã mang lại giá trị văn hóa đa dạng, độc đáo của địa phương miền núi với nhiều dân tộc cùng gắn bó, phát triển. Trong quá trình khôi phục, đầu tư, thúc đẩy phát triển làng nghề theo cơ chế, chính sách của nhà nước, của tỉnh, thời gian qua các làng nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ, nghề chế biến nông sản, thực phẩm của tỉnh đã từng bước phát triển, các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh đang ngày càng hoàn thiện.

Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 13 làng có nghề, với các nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, sản xuất rượu cần, nấu rượu, sản xuất gỗ, đá cảnh… Trong đó, có 02 làng nghề truyền thống đã được công nhận theo Quyết định số 87/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc xét công nhận làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh gồm: Làng nghề dệt thổ cẩm và du lịch Bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu) và Làng nghề dệt thổ cẩm làng Lục, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn).

Tuy nhiên, việc phát triển nghề, làng nghề vẫn mang tính tự phát và gặp một số hạn chế nhất định. Gần 80% các cơ sở không đủ vốn để đầu tư đổi mới kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất, sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, thiếu nguyên liệu tại chỗ, vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ nơi khác, chưa có chợ đầu mối cung cấp nguyên liệu, phụ liệu. Bên cạnh đó, sự liên kết trong các lĩnh vực đào tạo nghề, cung cấp thông tin thị trường, tiêu thụ sản phẩm chưa được chặt chẽ. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng, một mặt do các sản phẩm thủ công còn đơn điệu về mẫu mã, chất lượng chưa cao, hầu hết sản phẩm chưa có thương hiệu nhãn mác hàng hóa nên sức cạnh tranh kém và thị trường xuất khẩu đang bị thu hẹp, chưa khai thác được thế mạnh của thị trường trong nước; mặt khác do thiếu thông tin thị trường, thiếu các trung tâm trưng bày giới thiệu sản phẩm./.