Thực hiện dự án hỗ trợ thị trường lao động từ năm 2012 – 2014 đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp khu nhà làm việc, mua sắm trang thiết bị, vật tư phục vụ công các chuyên môn cho Trung tâm dịch vụ việc làm với tổng kinh phí 7,3 tỷ đồng. Giai đoạn 2011 đến nay, Trung tâm dịch vụ việc làm Hòa Bình đã tư vấn về việc làm và định hướng nghề cho gần 40 vạn lao động, đã có 10.000 lao động được các doanh nghiệp tuyển dụng trực tuyến tại các phiên giao dịch và thông qua phỏng vấn tại doanh nghiệp; có 3.430 lao động đăng ký học nghề trong đó có 2.368 lao động được tuyển sinh học nghề. Ngoài ra trung tâm đã tổ chức các lớp giáo dục định hướng xuất khẩu lao động để cung ứng nguồn lao động sang thị trường Hàn Quốc.
Thực hiện Chương trình cho vay vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, trong 5 năm (2006 – 2010) đã triển khai cho 1.491 dự án vay đầu tư giải quyết việc làm với số tiền vay trên 68 tỷ đồng, số lao động được tạo việc làm thông qua chương trình là 8.781 người. Giai đoạn 2011 – 2015 có gần 4.000 dự án được vay vốn với tổng số vốn trên 100 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 6 nghìn lao động.
Bên cạnh đó, chương trình xuất khẩu lao động được quan tâm thực hiện, là một trong những giải pháp xóa đói giảm nghèo bền vững của tỉnh. BCĐ xuất khẩu các cấp được kiện toàn lại và xây dựng các quy định, quy chế để triển khai và tổ chức thực hiện. Lựa chọn các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, giới thiệu về địa phương, tổ chức thông tin, tuyên truyền và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tuyển chọn lao động trên địa bàn. Lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài, chủ yếu ở các thị trường Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, các nước Trung Đông…Tuy nhiên, những năm gần đây do tình hình kinh tế thế giới suy thoái thị trường xuất khẩu lao động chững lại nên kết quả xuất khẩu đạt thấp, chỉ đạt gần 2 nghìn lao động.
Trong 5 năm, tỉnh ta đã giải quyết việc làm trong nước cho trên 78 nghìn lao động. Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động trong ngành công nghiêp – xây dựng, dịch vụ. Hết năm 2015, toàn tỉnh có gần 500 nghìn lao động tham gia hoạt động kinh tế (chiếm 88% dân số trong độ tuổi lao động), trong đó ngành công nghiệp xây dựng 14%, ngành nông, lâm, ngư nghiệp 68%, ngành dịch vụ - du lịch 18%, chưa đạt mcuj tiêu Kết luận số 53-KL/TU đặt ra; tỷ lệ lao động thấp nghiệp ở khu vực thành thị giảm xuống mức 3,5%; tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn ở mức 86-87%, đạt chỉ tiêu. Toàn tỉnh có 183/191 xã đạt tiêu chí về tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trong bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lao động việc làm, xuất khẩu lao động còn nhiều khó khăn, công tác dự báo, định hướng chuyển dịch lực lượng lao động trong ngành nông lâm ngư nghiệp sang các nhóm ngành phi nông nghiệp còn chậm. Mục tiêu mỗi năm chuyển dịch 2% không thực hiện được. Tại một số huyện chủ trương phát triển cây có múi, mở rộng diện tích trồng cam, bưởi, chanh nên lao động vẫn tập trung nhiều trong nông nghiệp. Các doanh nghiệp của tỉnh quy mô nhỏ về vốn, lạc hậu về công nghệ nên không thu hút được nhiều lao động, trong 10 năm qua các doanh nghiệp chỉ tạo được việc làm cho 25% số lao động có việc làm. Hiện tại, một số huyện: Yên Thủy, Kỳ Sơn, Tân Lạc…tình trạng lao động sang làm việc tại Trung Quốc, Thái Lan và một số nước khác qua đường tiêu ngạch (dưới dạng khách du lịch, không qua các doanh nghiệp sau đó tìm cách ở lại làm việc), nguy cơ rủi ro rất cao, chưa có định hướng, biện pháp giải quyết triệt để.
Mục tiêu đến năm 2020, tiếp tục tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tự lực vươn lên phát triển kinh tế, có việc làm, tăng thu nhập, thụ hưởng các chính sách. Cụ thể, giải quyết việc làm trong nước cho khoảng 16 nghìn lao động/năm, xuất khẩu lao động đi làm việc có thời hạn nước ngoài từ 300 – 500 lao động/năm. Đến năm 2020, lao động trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp còn dưới 60% tổng số lao động.