Năm 2015, theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, các yếu tố khí hậu, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, bất thường và khó dự báo. Số cơn bão, áp thấp nhiệt đới nhiều hơn về số lượng, sẽ có khoảng 9- 10 cơn bão, trong đó khoảng 4- 5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền. Từ tháng 5- tháng 10, nền nhiệt phía Bắc cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 đến 1 độ C. Khả năng xuất hiện dông mạnh kèm theo tố, lốc, mưa đá. Các tỉnh miền núi phía Bắc có nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đất... Trước nhận định này, để bảo đảm an toàn về tính mạng, vật chất của nhân dân trong mùa mưa lũ, hiện nay, tỉnh Hòa Bình đã chủ động xây dựng các phương án phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra.
Theo thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Năm 2014, chịu ảnh hưởng chung của biến đổi khí hậu, nhiệt độ trung bình tỉnh Hòa Bình có xu hướng tăng, diễn biến mưa bão phức tạp. Trong năm, thiệt hại do thiên tai làm 2 người chết, 1 người bị thương, lốc xoáy làm đổ tốc mái hàng trăm nhà dân và các công trình công cộng; hàng ngàn ha lúa, hoa màu bị hư hại đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống nhân dân, (ước tính tổng giá trị thiệt hại về vật chất khoảng 53,169 tỷ đồng).
Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng Ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bùi Văn Tiệp cho biết: Với phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả, trong đó lấy phòng, tránh là chính”, tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện phương án, kế hoạch, thành lập Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp; tiếp tục phân loại, rà soát để đánh giá mức độ an toàn của tất cả các hồ chứa trên địa bàn. Đồng thời xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho từng khu vực, từng công trình; có phương án di dời người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao; phương án bố trí lực lượng và phân bổ kinh phí cụ thể, sát với thực tế và điều kiện của từng địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cảnh giác với các hiện tượng thời tiết cực đoan, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền. Tổ chức các lực lượng xung kích thường trực sẵn sàng cơ động và ứng phó; thực hiện chế độ trực ban 24h/24h trong mùa mưa bão nhằm đối phó kịp thời, có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi thiên tai xảy ra. Tiếp tục tổ chức và triển khai kế hoạch hành động thực hiện “Chiến lược quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh và “Đề án nâng cao nhân thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” đã được UBND tỉnh phê duyệt; tăng cương mở các lớp tập huấn công tác phòng chống thiên tai cho đội ngũ cán bộ tham mưu cấp xã; tập trung đầu tư, thi công hoàn thành công trình đê Đà Giang, Quỳnh Lâm khu vực thành phố Hòa Bình; các hồ chứa đang dở dang nhằm chủ động hơn trong phòng tránh thiên tai và sớm phát huy hiệu quả phòng chống lũ của công trình. Bên cạnh đó, cần khẩn trương khảo sát, xây dựng bản đồ ngập lụt cho vùng hạ du đập thủy điện Hòa Bình đề phòng tình huống bất khả kháng khi thủy điện Hòa Bình xả lũ với lưu lượng trên 15.500m3/s; đồng thời cắm các mốc thủy trí trong các khu dân cư để cảnh báo giới hạn mực nước nguy hiểm cho dân khi có lũ. Các địa phương cần tăng cường công tác quản lý, kiên quyết xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi và PCLB, nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền cơ sở trong việc tăng cường phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ đê ngay từ khi mới phát sinh, góp phần đảm bảo an toàn các tuyến đê, công trình thủy lợi trong mùa mưa bão năm nay. Mặt khác, UBND các huyện, thành phố và các ngành trên địa bàn với vai trò, trách nhiệm của mình vận dụng phương châm "4 tại chỗ" kịp thời thực hiện công tác khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, hạn chế thấp nhất các thiệt hại do thiên tai, mưa bão gây ra./.