Theo thống kê, trong giai đoạn 2012-2014, chương trình MTQG NS& VSMT trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được bố trí tổng kinh phí 279.473 triệu đồng gồm các nguồn vốn xây dựng cơ bản 1.500 triệu đồng, Chương trình giảm nghèo 14.013 triệu đồng, Chương trình 134 là 18.571 triệu đồng, Chương trình MTQG xây dựng NTM 10.309 triệu đồng, Chương trình MTQG NS&VSMT 103.095 triệu đồng, tín dụng ưu đãi 109.264 triệu đồng, tổ chức Childfund 3.043 triệu đồng... Do đó, đã nâng số người sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh từ 775.765 người lên 839.936 người; số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh từ 64.355 hộ lên 79.233 hộ. Đến nay, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh chiếm 78%. Trong đó, 59,71% người nghèo được sử dụng nước hợp vệ sinh, 64,2% trường mầm non và phổ thông, 69,5% trạm y tế xã ở nông thôn có nước hợp vệ sinh.
Cũng theo kết quả rà soát hiện trạng, toàn tỉnh có 311 công trình cấp nước sinh hoạt được đầu tư bằng các nguồn vốn, trong đó còn 82 công trình hoạt động bền vững, 79 công trình hoạt động bình thường, 95 công trình hoạt động kém hiệu quả và 33 công trình không hoạt động. Cụ thể, có 244 công trình do UBND các huyện, thành phố làm chủ đầu tư, 52 công trình do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, 15 công trình do Ban Dân tộc tỉnh làm chủ đầu tư. Đối với các công trình đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 134, 135 cấp huyện làm chủ đầu tư có 95 công trình hoạt động không hiệu quả, 33 công trình không hoạt động là do khâu khảo sát, thiết kế và lập dự án chưa phù hợp với đặc điểm địa hình, địa chất và nguồn nước. Nhiều công trình đưa vào sử dụng trong thời gian ngắn đã bị bồi lắng hoặc hư hỏng, mục tiêu đầu tư, quá trình thực hiện đầu tư, phân cấp quản lý không chặt chẽ, chồng chéo. Thêm vào đó là khâu quản lý, vận hành, sử dụng, khai thác công trình cấp nước sau đầu tư còn nhiều yếu kém.
Đối với công trình do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, có 16 công trình cấp nước kém hiệu quả được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 1999-2000, nay đã hết thời gian khấu hao, nguyên nhân chính do nguồn nước cung cấp cho công trình không đủ. Hơn nữa, công trình do Ban quản lý dự án ADB thực hiện chưa bàn giao cụ thể tài sản cho địa phương quản lý, hình thức cấp nước bằng bể tập trung và trụ vòi đến khu dân cư theo mô hình đến nay không còn phù hợp, công tác quản lý công trình không được quan tâm. Có 4 công trình không hoạt động do nguồn nước cung cấp đầu nguồn hiện tại không còn, ảnh hưởng của bão làm trôi các tuyến đường ống chính, sét đánh trạm biến áp nên không vận hành được máy bơm...
Qua khảo sát, giám sát tình hình giải ngân các nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia và hiệu quả đầu tư sử dụng các công trình cấp nước sinh hoạt thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về NS&VSMTNT giai đoạn 2012 - 2014 do Ban Kinh tế & Ngân sách (HĐND tỉnh) thực hiện tại 6 xã thuộc 3 huyện Kim Bôi, Lạc Sơn, Mai Châu cho thấy hầu hết các công trình cấp nước sinh hoạt chưa đáp ứng được yêu cầu, hiệu quả sử dụng nước sạch cho nhân dân không hoạt động hết công suất hoặc thiếu nước mùa khô. Công tác quản lý, vận hành công trình, sử dụng nước chưa chặt chẽ. Ban quản lý, tổ vận hành còn hạn chế về trình độ quản lý, chuyên môn; công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa không kịp thời, thất thoát nước sạch còn lớn. Bên cạnh đó, bàn giao tài sản và giá trị một số công trình cũng chưa được tiến hành theo đúng quy định, dẫn đến tình trạng có công trình sau khi xây dựng, hoàn thành, đưa vào sử dụng nhưng không biết cơ quan nào quản lý.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, Nguyễn Văn Dũng cho rằng ý thức bảo quản công trình từ phía người dân, sự yếu kém về năng lực quản lý với các công trình sau đầu tư, nhất là công trình cấp nước sinh hoạt nhỏ lẻ ở thôn, xóm cần sớm được khắc phục. Cơ chế quản lý, vận hành chưa thống nhất, rõ ràng gây khó khăn trong vận dụng, tỉnh đang xây dựng quy định quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng các công trình cấp nước tập trung nông thôn trên địa bàn, xây dựng đơn giá thu, chi tiền nước đối với từng loại công trình. Quan điểm của tỉnh là với công trình hư hỏng không phát huy hiệu quả hoặc hiệu quả thấp sẽ tiến hành đánh giá, phân loại cụ thể. Với công trình có khả năng phát huy hiệu quả, ưu tiên sửa chữa, nâng cấp, không tiếp tục đầu tư đối với công trình hư hỏng không có khả năng phát huy hiệu quả. Đối với công trình xây mới, căn cứ khả năng huy động các nguồn lực, sự cần thiết đầu tư dự án tại địa phương để lựa chọn dự án ưu tiên. UBND tỉnh tiến tới sẽ ban hành quy định về quản lý, sử dụng và khác thác công trình. Đồng thời, xây dựng và ban hành các văn bản chính sách về đặc thù phù hợp với điều kiện địa phương, thúc đẩy thực hiện chương trình. Đề cao sự tham gia của người dân, vai trò, trách nhiệm của chính quyền xã, thôn, bản khi thực hiện chương trình; chủ động lồng ghép nguồn vốn các chương trình, tăng cường huy động tổng hợp các nguồn lực để tập trung thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm; tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý, khai thác các công trình cấp nước sau đầu tư và đẩy mạnh kiểm tra chất lượng công trình, chất lượng nguồn nước, công tác thông tin, giáo dục, truyền thông các cấp từ tuyến tỉnh đến cơ sở và người dân, nhất là trách nhiệm người dân trong quản lý, sử dụng các công trình nước sạch, tổ chức quản lý, bảo vệ tốt nguồn sinh thủy, không chặt phá rừng đầu nguồn, sử dụng thuốc diệt cỏ, hóa chất độc hại... Lựa chọn người có tâm huyết, trách nhiệm, trình độ chuyên môn để quản lý, vận hành, khai thác hiệu quả các công trình.