Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đánh giá, đến nay, diện tích cây ăn quả của Việt Nam có khoảng 1,1 triệu hecta, với sản lượng khoảng 13-15 triệu tấn; có 15 loại cây ăn quả chính, trong đó có cây có múi.
Nâng cao giá trị, liên kết sản xuất
Ðể thúc đẩy sản xuất cây ăn quả có múi, các địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả có múi quy mô lớn, tập trung như: Cam Cao Phong (Hòa Bình), Hàm Yên (Tuyên Quang), Vinh (Nghệ An), Lục Ngạn (Bắc Giang); bưởi Ðoan Hùng (Phú Thọ); quýt (Bắc Kạn)…
Do sản xuất tập trung, chăm sóc tốt, cơ cấu giống phong phú, trồng rải vụ nên ở một số nơi, cây ăn quả có múi đã mang lại thu nhập từ vài trăm triệu đến hơn một tỷ đồng/ha/vụ, giúp cho nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Để tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm chủ lực từ cây ăn quả có múi hiệu quả, bền vững, các tỉnh, thành trên cả nước đang triển khai xây dựng các mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Đây là mô hình có sự tham gia liên kết chặt chẽ giữa hộ thành viên là nông dân với HTX, Liên hiệp HTX, doanh nghiệp, siêu thị... theo một chuỗi khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ và được đảm bảo bằng các hợp đồng liên kết.
“HTX với vai trò hạt nhân trung tâm, ký kết hợp đồng với hộ nông dân thành viên, cam kết mua lại sản phẩm với giá khuyến khích, sau đó kiểm soát từ khâu sử dụng giống, quy trình chăm sóc cho tới khâu thu hoạch, tiêu thụ theo tiêu chuẩn, yêu cầu của HTX. Đồng thời tìm kiếm, ký kết các hợp đồng tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm, từ đó mang lại thu nhập ổn định cho thành viên”, ông Nguyễn Như Cường nói.
Đơn cử như tại tỉnh Hòa Bình, những năm gần đây, phát triển cây ăn quả có múi đang dần khẳng định vị thế trong sản xuất nông nghiệp, góp phần vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của tỉnh.
Ông Từ Quang Hà - Giám đốc HTX Hà Phong, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong chia sẻ, HTX được thành lập với mục đích hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thêm lợi ích, giúp giảm nghèo cho các hộ thành viên.
Ðến nay, các thành viên trong HTX đang sản xuất gần 300 ha cây ăn quả có múi. Ðể bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ với các hệ thống siêu thị, doanh nghiệp xuất khẩu.
Ngoài việc bao tiêu sản phẩm cho các thành viên, HTX cũng liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nhiều gia đình khác ở trong và ngoài địa phương. Năm 2021, HTX đã tiêu thụ được hơn 10.000 tấn cam, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 100 với mức thu nhập bình quân từ 8 đến 10 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình đánh giá, hiện tỉnh Hòa Bình đã xây dựng được trên 10 nghìn ha diện tích đất trồng cây ăn quả có múi, tập trung ở các huyện Tân Lạc, Cao Phong, Lạc Sơn… và đã xuất hiện một số HTX phát triển theo hướng nông sản sạch theo tiêu chuẩn VietGAP như: 3Tfarm với cam Cao Phong, Gfarm với cam trứng…
“Hòa Bình đang có phương án khuyến khích, hỗ trợ nhiều người dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, trồng cây có múi theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm sạch, an toàn - tiêu chí lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng hiện nay. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn, góp phần bảo đảm đầu ra ổn định nâng cao thu nhập để người dân yên tâm sản xuất”, ông Nguyễn Huy Nhuận cho hay.
Trở thành cây "làm giàu" cho nông dân
Tại tỉnh Tuyên Quang đã và đang phát triển các sản phẩm theo quy trình nông nghiệp sạch, VietGap nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương, góp phần tích cực trong nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho nhân dân.
Tại HTX Rau quả hữu cơ Quang Mừng, xã Bình Xa, huyện Hàm Yên hiện có hơn 1.000 gốc bưởi Diễn, bưởi da xanh, bưởi hoàng và bưởi đào hường rộng gần 10 ha. Chị Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc HTX chia sẻ, HTX ra đời với mục tiêu chính chú trọng sản xuất kinh doanh bưởi hữu cơ. Trong đó, chú trọng chuyển đổi 10 ha bưởi từ trồng truyền thống sang trồng bưởi hữu cơ.
Từ đó đến nay, chị cùng các thành viên trong HTX luôn nỗ lực bảo vệ, xây dựng và phát triển thương hiệu bưởi hữu cơ với nhiều hình thức như dán tem truy xuất nguồn gốc, kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Mỗi năm, 10 ha bưởi hữu cơ cho thu hoạch trên 20 nghìn quả các loại với giá trung bình từ 15 - 40 nghìn đồng/quả. Bưởi hữu cơ của HTX được nhiều khách hàng ở thị trường khó tính, có yêu cầu rất cao như trong chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch ở trong và ngoài tỉnh ưa chuộng sử dụng. Thời gian tới, HTX đang tích cực đưa sản phẩm bưởi hữu cơ của HTX sang thị trường Nhật Bản.
Chị Đặng Thị Mai, thành viên HTX cho biết, nhờ tham gia HTX, chị mới hiểu, kinh tế tập thể là cùng làm, cùng hưởng. Gia đình không còn phải đơn thương, độc mã trong sản xuất và tiêu thụ như trước đây.
"Tôi trồng cam đến nay cũng được gần 3 năm. Từ khi tham gia HTX, cuộc sống và thu nhập của gia đình đã được nâng lên, tôi đã trả được hết nợ nần và cất được 1 ngôi nhà khang trang, con cái đều học hành thành đạt. Bình quân 1 năm tôi thu lãi gần 300 triệu đồng từ bán cam", chị Mai vui vẻ nói.
Ông Tô Đức, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo đánh giá, công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Để công tác xóa đói, giảm nghèo từ phát triển cây có múi, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, tiếp tục rà soát các vùng sản xuất hàng hóa theo định hướng phát triển tập trung.
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ các HTX xây dựng thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý, cấp mã số vùng trồng, mở rộng sản xuất áp dụng quy trình VietGAP, cũng như liên kết theo chuỗi, thực hiện dán tem nhãn nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, từ đó nâng cao thu nhập cho hộ thành viên, thực hiện tốt mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững./.