Năm 2010 là năm kết thúc Chương trình 135 giai đoạn II (2006 - 2010). Theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo Chương trình 135 tỉnh Hòa Bình, đến thời điểm này đã có 11 huyện, thành phố hoàn tất việc phân khai vốn, phấn đấu tháng 12 hoàn thành kế hoạch. Riêng đối với dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, do đặc thù phụ thuộc vào thời vụ sản xuất nông nghiệp nên thời gian không còn nhiều, các địa phương trong tỉnh đang rốt ráo triển khai các hoạt động nhằm bảo đảm hiệu quả thực hiện dự án theo đúng lộ trình.
Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất tập trung vào nội dung hỗ trợ phát triển nông, lâm, ngư nghiệp nên mang tính thời vụ và tiến độ phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết. Do thời vụ của sản xuất nông nghiệp không trùng với năm tài chính nên dự án thường được thực hiện “gối” trong 2 năm. Trong khi đó, năm nay là năm kết thúc Chương trình 135, theo khung lộ trình, đến tháng 12 các địa phương trong tỉnh phải tổng hợp kết quả thực hiện kế hoạch năm 2010 và tiến hành đánh giá kết quả 5 năm thực hiện. Trước yêu cầu phải hoàn thành dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất gói gọn trong năm 2010, áp lực về thời gian là rất lớn - nhất là đối với các xã còn lúng túng trong vai trò chủ đầu tư.
Được biết, trong khuôn khổ Chương trình 135 giai đoạn II, hợp phần Hỗ trợ phát triển sản xuất được giao cho Chi cục Phát triển nông thôn thực hiện. Nguồn vốn hỗ trợ được sử dụng để triển khai các nội dung: xây dựng mô hình kinh tế nông - lâm nghiệp; hỗ trợ giống và vật tư nông, lâm nghiệp; đầu tư máy móc và thiết bị bảo quản, chế biến; bồi dưỡng kiến thức và tập huấn kỹ thuật khuyến nông, khuyến lâm; xây dựng tủ sách khuyến nông, lâm, ngư nghiệp… Đối tượng chính được hỗ trợ là đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nông dân nghèo sinh sống tại các thôn, bản, xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Từ năm 2009, toàn bộ dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất đã được phân cấp cho các xã làm chủ đầu tư thay vì giao cho UBND huyện làm chủ đầu tư như 3 năm về trước (2006 - 2008). UBND xã được tự chủ nguồn vốn và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện dự án trên địa bàn. Trong năm đầu tiên làm chủ đầu tư, nhiều xã tỏ ra lúng túng khi triển khai các phần việc như phê duyệt danh sách, lập kế hoạch đón vốn, giải ngân vốn đến từng hộ và nhóm hộ… Do đó, Ban chỉ đạo Chương trình 135 huyện, đặc biệt là cán bộ chuyên trách tại địa phương phải “cầm tay chỉ việc”, sâu sát hướng dẫn đội ngũ cán bộ xã để họ làm quen với công việc và hoàn thành nhiệm vụ. Kết quả bước đầu khá khả quan khi có 63/73 xã được đánh giá đủ khả năng làm chủ đầu tư (đạt 94% kế hoạch giao). Còn lại một số xã như Đồng Nghê, Tân Minh, Mường Tuổng (huyện Đà Bắc), Cuối Hạ, Nuông Dăm (huyện Kim Bôi)… tự thấy chưa đủ khả năng đã đề nghị huyện làm chủ đầu tư giúp để lấy kinh nghiệm sau này thực hiện.
Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hà Ngọc Sơn cho biết, việc phân cấp cho xã làm chủ đầu tư là chủ trương đúng và mang tính ưu việt. Vấn đề là chất lượng đội ngũ cán bộ xã của tỉnh hiện chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Do đó, tiến độ thực hiện dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất chậm so với kế hoạch đề ra; quá trình thực hiện cũng vấp phải nhiều phát sinh hơn so với các năm giao UBND huyện làm chủ đầu tư. Đơn cử, năm 2009, một số xã của huyện Tân Lạc và Đà Bắc đến phút chót đã thay đổi một số nội dung đầu tư nên vốn kế hoạch của huyện được giao muộn hơn, việc triển khai thực hiện các mô hình kinh tế nông nghiệp năm 2009 không kịp thời vụ phải chuyển tiếp sang năm 2010.
Đến giữa quý II.2010, kế hoạch vốn đã được UBND các huyện giao trực tiếp xuống cơ sở nhưng nhiều xã đến thời điểm này vẫn chưa lựa chọn được nội dung đầu tư để lên kế hoạch sử dụng vốn. Trước sự chậm trễ này, Chi cục Phát triển nông thôn – cơ quan thường trực dự án – đã có công văn đôn đốc các địa phương phải “chạy đua” với thời vụ để bảo đảm hiệu quả của đồng vốn hỗ trợ và hoàn thành kế hoạch năm 2010 sớm hơn so với các năm trước. Cụ thể, Ban chỉ đạo tỉnh và huyện yêu cầu Ban chỉ đạo cấp xã phải nhanh chóng rà soát, thống kê nhu cầu trên địa bàn quản lý để triển khai các nội dung đầu tư kịp thời vụ…