Các vùng trồng trên địa bàn tỉnh được theo dõi, giám sát thường xuyên về các đối tượng sinh vật gây hại và việc đáp ứng các yêu cầu an toàn thực phẩm. Từ những vùng trồng được cấp mã số, trong năm 2020, đã có 120 tấn Nhãn Sơn Thủy của huyện Kim Bôi và 180 tấn chuối của thành phố Hòa Bình được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt các sản phẩm như cam, quýt, bưởi, lúa chất lượng cao nằm trong danh mục sản phẩm chủ lực của tỉnh. Tỉnh có nhiều sản phẩm đã và đang phát triển sản xuất hàng hóa như nhãn, thanh long, chuối, bí xanh, bí đỏ; đặc biệt có nhiều sản phẩm lợi thế vùng miền như mía tím, mía trắng, chè, ngô nếp, quả ôn đới (hồng, mận, đào), cây gia vị và cây dược liệu (gừng, sả, ớt, tỏi, sạ đen, sạ vàng, giảo cổ lam, sâm cau…). Rất nhiều sản phẩm đã và đang được xuất khẩu (nhãn, chối, mía, bí, rau, dưa chuột, gừng).
Tuy nhiên hầu hết những sản phẩm do các doanh nghiệp ngoài tỉnh thực hiện sơ chế, đóng gói và xuất khẩu; chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn chưa theo dõi, thống kê được đường đi của sản phẩm do nông dân vùng mình sản xuất ra. Nhìn chung, việc cấp mã số vùng trồng ở tỉnh Hòa Bình còn rất khiêm tốn, kém xa tiềm năng phát triển và yêu cầu thực tiễn đặt ra. Việc sơ chế, đóng gói sản phẩm đúng quy định mới chỉ thực hiện được ở một số ít doanh nghiệp cho một số sản phẩm rau, chuối, chè. Đại đa số hiện nay việc sơ chế đóng gói sản phẩm trồng trọt của các hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp diễn ra ngay trên đồng ruộng, hay tại những cơ sở nhỏ hẹp, không được trang bị dụng cụ, thiết bị phù hợp, vì vậy chất lượng, mẫu mã sản phẩm không đồng đều. Hạn chế về năng lực sơ chế, đóng gói cũng chính là rào cản lớn cản trở sản phẩm trồng trọt của tỉnh vươn mạnh ra thị trường thế giới.
Từ thực tế cho thấy, nếu hoạt động cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói được triển khai đồng bộ, bài bản sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách, các cấp lãnh đạo và cơ quan chuyên môn có sự nhìn nhận sát thực tế hơn; việc xuất khẩu nông sản cũng sẽ được đánh giá khách quan hơn, cụ thể hơn. Đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Đề án “Phát triển thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực của tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Bên cạnh đó, xu hướng phát triển tất yếu của thương mại điện tử càng đòi hỏi những thông tin rõ ràng, cụ thể của sản phẩm, việc thực hiện cấp, quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói chính là một trong những giải pháp hữu hiệu.
Thời gian tới, tỉnh đưa ra mục tiêu định danh sản phẩm trồng trọt theo vùng trồng, góp phần tích cực kết nối cung cầu, quảng bá thương hiệu và nâng cao giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất trồng trọt thông qua hoạt động xác lập, quản lý và khai thác mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Giai đoạn 2021 - 2025, triển khai hỗ trợ cấp và quản lý khoảng 300 - 500 mã số vùng trồng, tương đương khoảng 3.000 - 5.000 ha cây trồng, 50 cơ sở đóng gói, trong đó ít nhất 10 cơ sở có đủ năng lực đóng gói hàng xuất khẩu với công suất tổi thiểu 25 tấn/đơn hàng. Xây dựng hoàn chỉnh và vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu bằng song ngữ Việt - Anh về quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, là cầu nối giữa các vùng sản xuất, cơ sở đóng gói của tỉnh với thị trường trong, ngoài nước. 100% đơn hàng xuất khẩu sản phầm trồng trọt của tỉnh đáp ứng được yêu cầu của nhà nhập khẩu về truy xuất nguồn gốc thông qua mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Giai đoạn 2026 - 2030, ít nhất 85% diện tích canh tác các cây trồng chủ lực, có lợi thế của tỉnh, đáp ứng được quy mô sẽ được cấp mã số vùng trồng; mở rộng quy mô của các cơ sở đóng gói theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, gắn liền với bảo quản và chế biến sản phẩm. Cơ sở dữ liệu về mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói được quản lý, khai thác hiệu quả, trở thành sàn giao dịch giữa người sản xuất với khách hàng trong và ngoài nước. 100% các tổ chức, cá nhân ở vùng sản xuất có mã số vùng trồng hiểu, tuân thủ quy định về duy trì mã số vùng trồng./.