Nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp phù hợp với tình hình của địa phương và cơ chế sản xuất hàng hoá, cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân, huyện Kim Bôi đã xây dựng chương trình kế hoạch cụ thể từng năm và từng giai đoạn mà trọng tâm là Đề án phát triển nông, lâm nghiệp giai đoạn 2005-2010. Sau hơn 4 năm, Đề án trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả triển khai đã nhận được sự ủng hộ của các hộ nông dân và đạt được nhiều kết quả khả quan.
Với thế mạnh là rừng và đất rừng, tỉ lệ đất rừng so với đất nông nghiệp toàn huyện gấp 3 lần. Vì thế, Đề án trồng cây lâm nghiệp - cây ăn quả nhằm khai thác tốt tiềm năng đất rừng, tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho các hộ nông dân, tăng độ che phủ, chống xói mòn, ổn định môi trường sinh thái. Mục tiêu của Đề án trong 5 năm 2005-2010 trồng mới được 4.213 ha cây lâm nghiệp và 581 ha cây ăn quả. Trước khi thực hiện Đề án, ở huyện Kim Bôi, phong trào trồng rừng đã được các hộ nông dân hưởng ứng tích cực, tham gia trồng rừng từ các dự án như dự án 661, dự án trồng rừng nguyên liệu và hộ nông dân tự trồng. Diện tích trồng rừng mỗi năm đạt từ 1.200 - 1.400 ha. Trong giai đoạn 2003-2005, trước khi thực hiện Đề án, tổng diện tích rừng trồng toàn huyện là 3.274 ha. Sau hơn 4 năm, tổng diện tích rừng đã trồng toàn huyện là 6.672 ha đạt 189,5% kế hoạch, trong đó, cây luồng, bương, tre là 702 ha; cây lấy gỗ là 5.970 ha; tổng diện tích cây ăn quả đã trồng là 397 ha, trong đó, vải, nhãn 254 ha, cây ăn quả khác 143 ha.
Đánh giá về hiệu quả của Đề án trồng cây lâm nghiệp - cây ăn quả trong thời gian qua, bà Bùi Thị Tâm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kim Bôi cho biết: Đề án phát triển nông, lâm nghiệp đã đạt kết quả quan trọng, tạo được chuyển biến tích cực về tư duy trong sản xuất nông lâm nghiệp, phù hợp với phương thức sản xuất hàng hoá theo cơ chế thị trường. Đảng uỷ và chính quyền các xã thị trấn đã quan tâm lãnh đạo chỉ đạo, nhiều xã có kế hoạch cụ thể, sát thực và tổ chức thực hiện rất hiệu quả. Nông dân đã có chuyển biến về nhận thức, đã thấy được giá trị kinh tế của rừng và tích cực tham gia thực hiện đề án do đó tiến độ thực hiện trồng rừng vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, việc trồng cây ăn quả ở nhiều xã còn để nông dân tự phát, không có định hướng qui hoạch vùng hàng hoá nên không khai thác hết giá trị kinh tế trên đơn vị canh tác. Mục tiêu của Đề án đến hết năm 2010 trồng được 900 ha trong đó 800 ha cây lâm nghiệp và 100 ha cây ăn quả. Để thực hiện mục tiêu này, huyện đang tập trung rà soát các loại đất rừng theo qui hoạch, chuẩn bị và cung cấp đây đủ cây giống có chất lượng giúp nông dân trồng rừng đúng qui hoạch và đúng thiết kế.