DetailController

Tin từ các đơn vị

Hiệu quả từ Cuộc Vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch kinh tế - xã hội

08/07/2021 00:00
Thực hiện Cuộc Vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã quan tâm, triển khai các hoạt động hướng về cơ sở, vận động Nhân dân trên địa bàn hăng hái tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.
Bằng nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, nhiều địa phương đã hỗ trợ các gia đình thoát nghèo và giảm nguy cơ tái nghèo.

Với mục tiêu quan trọng là giảm nghèo bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Nhiều cách làm hay, sáng tạo được triển khai, các mô hình tự quản tại cộng đồng phát huy hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Đến nay, nhận thức của Nhân dân trong phong trào xây dựng nông thôn mới có sự chuyển biến tích cực, bằng những hành động cụ thể như: Hiến đất, góp công làm đường giao thông và công trình công cộng phục vụ dân sinh, tham gia mô hình kinh tế tập thể, phát triển chuỗi liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất,… Nhân dân đã góp công sức to lớn vào sự phát triển của quê hương, thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh. So với năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2020 giảm từ 20,38% xuống còn 8,56%; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 64,5 triệu đồng/người, tăng 24,5 triệu.

Thực hiện Phong trào thi đua “Tỉnh Hòa Bình chung ta xây dựng nông thôn mới”, các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới gắn thực hiện Cuộc vận động. Nhiều mô hình kinh tế vườn, kinh tế trang trại hình thành và nhân rộng; nghề truyền thống của địa phương có điều kiện phát triển; Nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất để không ngừng nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế. Hàng năm, các ngành có liên quan tổ chức trên 130 lớp tập huấn kiến thức chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, cho trên 1.000 lượt hội viên, đoàn viên. Thông qua các hoạt động đã nâng cao chất lượng lao động tại chỗ, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và giảm tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh.

Giai đoạn 2016-2020, đã chứng kiến sức lan tỏa mạnh mẽ của Cuộc vận động trong tiến trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, nhiều mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Cuối 2020, toàn tỉnh có 58/131 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 2 huyện, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn và 1 huyện đang trình hồ sơ xét đề nghị hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới; 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã hoàn thành thẩm định xã nông thôn mới kiểu mẫu. Ngoài ra, tỉnh ta có 39 khu dân cư kiểu mẫu và 122 vườn mẫu.

Bên cạnh những kết quả trên, Chương trình phối hợp số 17/CTrPH-MTTQ-ĐTCTXH, giữa Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh với các đoàn thể chính trị- xã hội vào tháng 2/2017 đã kịp thời hướng dẫn các cấp hội xây dựng và nhân rộng mô hình tự quản tại địa phương. Các mô hình xây dựng dựa trên yêu cầu và đặc thù của địa phương, do đó đã Nhân dân đồng tình ủng hộ. Toàn tỉnh hiện có 3.531 mô hình tự quản trên các lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng. Đến nay, các mô hình hoạt động đi vào nề nếp, có hiệu quả phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó giúp đỡ nhau phát triển kinh tế góp phần giảm nghèo bền vững được Trung ương và tỉnh đánh giá cao. Tiêu biểu như mô hình “Khu dân cư ba không, bốn có” khi tham gia giao thông, mô hình “Khu dân cư về Tự quản bảo vệ môi trường” của thành phố Hòa Bình và Lạc Thủy; mô hình “Tiếng kẻng vây bắt Tội phạm” của huyện Lương Sơn; mô hình “Giúp nhau kỹ thuật, cây giống và tiêu thụ sản phẩm” của huyện Tân Lạc…

Để giúp đỡ người nghèo vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hành phúc, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, không chỉ giúp nhiều hộ thoát nghèo mà còn giảm nguy cơ tái nghèo. Từ nguồn các nguồn hỗ trợ, nhiều nhà Đại đoàn kết được xây dựng để tặng cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Các gia đình tiếp tục nhận được hỗ trợ vốn vay ủy thác, các nguồn hỗ trợ lãi suất thấp và cây giống, con giống, thức ăn gia súc, vật tư, phân bón.... để phát triển sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống.

Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội trong tỉnh, tạo nguồn lực để giúp đỡ hộ nghèo. Thông qua “Tháng cao điểm vì người nghèo” và hình thức khác nhau, đã vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, trong 5 năm, Quỹ cấp tỉnh đã thu được số tiền gần 24 tỷ đồng. Tỉnh đã sử dụng trên 21 tỷ đồng để hỗ trợ xây mới và sửa chữa 1.777 nhà đại đoàn kết, phát triển sản xuất cho 2.457 hộ, khám chữa bệnh cho 2.080 người, hỗ trợ 11.555 học sinh nghèo vượt khó học giỏi, tặng 71.431 suất quà tết cho gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, Nhân dân trong phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, đóng góp, ủng hộ thiên tai, dịch bệnh, bão lũ được hơn 30 tỷ đồng giúp đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” góp phần quan trọng vào thực hiện góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Đồng thời, Cuộc vận động đã phát huy dân chủ ở cơ sở, Nhân dân bàn bạc xây dựng và thực hiện các hương ước, quy ước phù hợp. Các hoạt động tại khu dân trở nên cư sôi nổi, phong phú, Nhân dân đồng tình hưởng ứng tham gia. Từ đó, tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền, Mặt trận với nhân dân./.