DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Hiệu quả từ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn huyện Cao Phong

25/12/2012 00:00
Là địa phương được chọn làm điểm thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo quyết định 1956/2009 của Thủ tướng Chính phủ của Ban chỉ đạo tỉnh. Nhìn lại kết quả một năm thực hiện đề án, công tác đào tạo nghề ở Cao Phong đã có chuyển biến rõ rệt, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước từng bước đi vào cuộc sống, giúp người dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có điều kiện học nghề, tạo việc làm ổn định, hướng tới xây dựng nông thôn mới bền vững.

Với phương châm “Dạy những nghề người dân cần chứ không dạy những nghề trung tâm đang có”, trong suốt thời gian qua, Trung tâm dạy nghề huyện Cao Phong đã đi khắp các địa phương trong huyện để truyền nghề. Từ năm 2010 đến năm 2012, trung tâm đã tổ chức thành công 14 khóa dạy nghề với gần 400 Người dân được đào tạo, trong đó có trên 200 nông dân tìm được việc làm và tự tạo việc làm bằng những mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao.

Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả Ban chỉ đạo thực hiện đề án của huyện đã tổ chức triển khai toàn bộ nội dung của đề án đến với các ban, ngành, đoàn thể của huyện, xã, thị trấn và tận các xóm, khu dân cư trên địa bàn để có tiếng nói chung trong thực hiện chính sách và tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức về lợi ích của học nghề, giúp họ tìm chọn nghề phù hợp để có kiến thức và kỹ năng thực hành nhằm tìm kiếm việc làm phù hợp, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thông qua điều tra khảo sát tại  các thôn, xóm  thì có tới trên 1000 người có nhu cầu học nghề, chiếm tỷ lệ 45%. Huyện đã tổ chức dạy nghề cho gần 400 học viên. Trong đó có trên 200 học viên thuộc diện đối tượng chính sách, dân tộc thiểu số và diện nghèo; số còn lại thuộc đối tượng lao động nông thôn. Các ngành nghề tập trung đào tạo gồm đan lát, chăn nuôi, dệt thổ cẩm, trồng nấm, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây có múi. Đến nay đã có 14 lớp thi tốt nghiệp với trên 300 học viên gồm nghề đan lát, kỹ thuật trồng nấm, kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả, dệt thổ cẩm hoàn thành chương trình học. Tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt khoảng 50% đặc biệt là nghề đan lát tỷ lệ có việc làm là 100%  cho thu nhập ổn định  số còn lại tự áp dụng kiến thức để tạo việc làm tại gia đình. Ông Bùi Văn Chung và Cô Bùi Thị Nghĩa xóm Mu xã Thung Nai chia sẻ: Nếu trước đây cứ vào vụ đánh bắt tôm gia đình chúng tôi phải xuống tận thành phố để đặt mua giọ tôm với giá 5000 đồng một chiếc, mỗi gia đình mua từ 800 đến 1000 chiếc mất khoảng 4 triệu đến 5 triệu đồng mà chỉ sử dụng được một vụ thì nay chúng tôi không phải mất tiền mua, vì sau khi tham gia lớp học mây tre đan do trung tâm dạy nghề mở tại xóm thì 100% số hộ trong xóm đã biết đan các vật dụng cần thiết phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày, điều này đã giúp cho chúng tôi tiết kiệm được một khoản chi phí trong lao động.        

Để có được kết quả đó trong thời gian qua, Trung tâm dạy nghề huyện cũng đã có kế hoạch cùng với Ban chỉ đạo giải quyết việc làm cho lao động nông thôn huyện nghiên cứu thế mạnh của từng địa phương, từng vùng để đào tạo nghề cho phù hợp, tránh trường hợp qua đào tạo nhưng không giải quyết được việc làm, mặt khác đào tạo nghề phải gắn với việc xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên theo ông Phạm Ngọc Thành, giám đốc trung tâm dạy nghề huyện Cao Phong thì trong thời gian qua “bên cạnh những hiệu quả ban đầu, đào tạo nghề cho lao động nông thôn  vẫn còn hạn chế, một số địa phương chưa quan tâm, chú trọng đến công tác đào tạo nghề; một số nghề qua đào tạo không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương nên dẫn tới người lao động sau khi được đào tạo vẫn thiếu việc làm hoặc có việc làm không phù hợp".

Thực tế cho thấy sau một năm triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, có một số người quá tuổi vẫn có nhu cầu tham gia học nghề phù hợp với sức khỏe và khả năng làm được như đan lát, chăn nuôi, trồng trọt nên huyện vẫn trích ngân sách hỗ trợ học phí cũng như các chế độ khác cho đối tượng đi học. Chính vì thế đã giúp nhiều lao động quá tuổi được học nghề và làm việc tại chỗ, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Với sự cố gắng, lòng nhiệt tình của cán bộ, giáo viên Trung tâm trong công tác dạy nghề đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và hội viên đánh giá cao, uy tín của trung tâm được khẳng định. Dạy nghề  góp phần phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, chuyển dịch lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Dạy nghề để thúc đẩy công tác Hội và phong trào nông dân, nâng cao vai trò vị thế của người nông dân, xứng đáng với vai trò trung tâm nòng cốt trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.