Các công trình chợ được đầu tư xây mới, nâng cấp cải tạo từng bước đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đời sống của Nhân dân nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khó khăn; có nhiều mô hình trong sản xuất, đã đem lại hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo; đời sống văn hóa tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội được giữ vững, các hoạt động được duy trì và phát triển; phát huy được sức mạnh to lớn của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới; bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều khởi sắc. Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp mạng lưới chợ với tổng số 15 công trình, trong đó 01 công trình đầu tư xây dựng mới và 14 công trình được đầu tư cải tạo, nâng cấp sửa chữa. Theo mục tiêu tại văn bản số 4292/BCT-TTTN ngày 25/7/2022 của Bộ Công thương, số lượng đầu tư xây dựng công trình chợ mới vượt 01 công trình; số lượng đầu tư cải tạo nâng cấp, sửa chữa 14/16 công trình, thấp hơn so với mục tiêu là 02 công trình. Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kết quả đạt được trong việc triển khai tại địa phương với nguồn vốn Trung ương đã triển khai thực hiện hỗ trợ tổ chức các hoạt động thu hút đầu tư, hội chợ, triển khai thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ xây dựng và thực hiện một số mô hình nhằm tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tổ chức các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư, kết nối tiêu thụ sản phẩm các phiên chợ văn hoá, hội chợ giao lưu, diễn đàn, các lễ hội gắn thương mại với du lịch; tập huấn triển khai nguồn nhân lực thương mại; truyền thông nhằm quảng bá các sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tổng kinh phí phân bổ trong giai đoạn 2021-2025 là 17.120 triệu đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách Nhà nước Trung ương hỗ trợ 17.000 triệu đồng, nguồn vốn ngân sách địa phương 80 triệu đồng, nguồn vốn dân góp là 40 triệu đồng. Năm 2024 tổng nguồn vốn đã bố trí là 3.100 triệu đồng (ngân sách đầu tư trực tiếp nguồn vốn Trung ương 3.100 triệu đồng) để thực hiện đầu tư cải tạo, nâng cấp sửa chữa và xây mới 04 công trình trên địa bàn các huyện Đà Bắc 02 công trình, Lạc Thuỷ 01 công trình, Cao Phong 01 công trình xây mới. Năm 2025 thực hiện 03 công trình chuyển tiếp từ năm 2024 sang năm 2025 thực hiện, kinh phí 4.600 triệu đồng, trong đó: huyện Đà Bắc 02 công trình, huyện Cao Phong 01 công trình.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 94 chợ, các chợ trên địa bàn tỉnh chủ yếu là chợ hạng 3 chợ tạm, cơ sở vật chất đã xuống cấp, diện tích xây dựng nhỏ không còn phù hợp, lối đi hẹp không đủ đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân. Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chợ nông thôn rất ít, chủ yếu là huy động từ các nguồn vốn khác nhưng cũng rất hạn hẹp. Trong giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã giao cho UBND các huyện trên địa bàn tỉnh đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhằm nâng cao vị thế cạnh tranh, đẩy mạnh kết nối, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại quốc gia của Bộ Công Thương đã tạo điều kiện tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại địa phương. Qua đó, nâng tầm giá trị cho các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông sản. Một số sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh đã tạo được thị trường ổn định ở trong nước, tham gia vào các hệ thống phân phối hiện đại, như siêu thị, trung tâm thương mại, sàn thương mại điện tử và xuất khẩu sang thị trường một số nước. Đây là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực của tỉnh trong chính sách phát triển cây trồng, vật nuôi.
Giai đoạn 2026-2030 tỉnh phấn đấu tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp 100%. Tiếp tục đầu tư xây mới, cải tạo nâng cấp chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ tổ chức các hoạt động thu hút đầu tư, hội chợ, triển khai thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc nội dung số 03, Tiểu dự án 2, Dự án 3, gồm tổ chức các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, kết nối tiêu thụ sản phẩm, các phiên chợ văn hóa, hội chợ, giao lưu, diễn đàn, các lễ hội gắn thương mại với du lịch. Hỗ trợ xây dựng và thực hiện một số mô hình nhằm tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Truyền thông nhằm quảng bá các sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Xác định công tác xúc tiến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm là yếu tố quan trọng để kết nối các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Việc triển khai hiệu quả nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, từng bước nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp tổ chức các hội chợ triển lãm cấp vùng; tham gia Hội nghị xúc tiến thương mại, Hội nghị kết nối cung cầu tại các tỉnh, thành phố. Thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, đã tạo điều kiện cho các đơn vị quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đến đông đảo cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng./.