Sau 5 năm thực hiện, số lượng các hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản trong toàn tỉnh tăng mạnh, gấp 164,42% so với năm 2015. Hiện có 284 hợp tác xã hoạt động, với 5.680 thành viên và 20.022 lao động thường xuyên. Các mặt hàng của hợp tác xã đa dạng, trong đó tập trung nhiều vào các loại nông sản chủ lực cả địa phương như: Rau an toàn, cây có múi, cây dược liệu, cá Sông Đà, gà đồi…80% hợp tác xã hoạt động dịch vụ nông nghiệp là cung ứng các dịch vụ phục vụ sản xuất trồng trọt. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất càng trở nên phổ biến, làm cho giá trị sản phẩm dần tăng lên. Doanh thu bình quân 1 hợp tác xã ước đạt 1.579 triệu đồng, thu nhập bình quân lao động ước đạt 3,99 triệu đồng/người/tháng, tăng 14%. Hợp tác xã ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún nhỏ lẻ, đặc biệt là tập trung nguồn nhân lực và đất đai để sản xuất lớn.
Đối với hợp tác xã phi nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có 103 hợp tác xã hoạt động. Trong đó, 29 HTX công nghiệp- xây dựng, 45 HTX thương mại dịch vụ, 13 hợp tác xã giao thông vận tải, 13 hợp tác xã dịch vụ điện năng. Quy mô vốn các hợp tác xã tuy nhỏ, nhưng vẫn tạo công ăn việc làm cho lao động thường xuyên đạt từ 4-5,5 triệu đồng/người/tháng. So với lĩnh vực nông nghiệp, hợp tác xã phi nông nghiệp năng động hơn, quản lý bài bản, tài chính công khai, sản phẩm dịch vụ ngày càng có uy tín. Các ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trở nên đa dạng, như: cơ khí, gia công cơ khí, chế biến gỗ gia dụng, mỹ nghệ, mây tre đan, dệt thổ cẩm… Nhiều nơi đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ cao, mở rộng quy mô hoạt động để tiếp tục ttạo ra các sản phẩm chất lượng. Hợp tác xã thương mại dịch vụ có sự chuyển biến cả về chất lượng và số lượng, ngoài việc cung cấp vật tư nông nghiệp, công cụ sản xuất, còn tìm kiếm thị trường, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp khác, giúp các hợp tác xã thành viên yên tâm sản xuất. Hợp tác xã giao thông vận tải hoạt động đa dạng, có các loại hình kinh doanh vận tải đường bộ, vận tải khách du lịch bằng xe điện và vận tải đưởng thủy nội địa (chủ yếu là đưa đón khách du lịch tham quan du lịch lòng hồ sông Sông Đà). Bên cạnh đó còn hỗ trợ các hợp tác xã thành viên khác thực hiện các thủ tục pháp lý, làm giấy phép kinh doanh hộ cá thể cho thành viên, giới thiệu đăng kiểm, đại lý bán bảo hiểm xe cơ giới, đầu mối khai báo thuế. Về cơ bản, hợp tác xã giao thông hoạt động hiệu quả, ổn định và thực hiện tốt các quy định của pháp luật về an toàn giao thông. Hợp tác xã dịch vụ điện năng giảm về số lượng, do thực hiện chủ trương của tỉnh là bàn giao tài sản điện lưới nông thôn về cho công ty điện lực quản lý, nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân và hệ thống lưới điện quốc gia. Toàn tỉnh hiện có 13 hợp tác xã dịch vụ điện năng hoạt động và thực hiện giá bán điện theo đúng quy định và bảo đảm thu nhập để tái đầu tư duy trì kinh doanh, một số hợp tác xã mở rộng thêm các dịch vụ nông nghiệp và thủy lợi. Bên cạnh đó, còn nhiều mô hình hợp tác xã phi nông nghiệp khác, như hợp tác xã vệ sinh môi trường, hợp tác xã đầu tư, kinh doanh và quản lý chợ…góp phần đáng kể vào nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Hiện có 3 Quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động và 1 Quỹ được đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt. Các Quỹ tín dụng nhân dân có 5.800 thành viên, 38 lao động thường xuyên có việc làm, thu nhập đạt khá 7 triệu đồng/người/tháng. Tổng nguồn vốn hoạt động của Quỹ là trên 560 tỷ đồng, đã thực hiện cho 1.480 lượt thành viên vay vốn với dư nợ là 451,8% đồng. Các quỹ có trụ sở làm việc đảm bảo hoạt động thuận lợi, an toàn, trình độ chuyên môn, năng lực quản lý lãnh đạo và nhân viên đáp ứng tiêu chuẩn quy định. Đây được xem là loại hình có quy mô và hoạt động ổn định, phát triển nhất trọng hợp tác xã, bởi năng lực tài chính không ngừng được nâng lên, vốn điều lệ luôn đảm bảo trong giới hạn an toàn.
Thông qua các hợp tác xã, mô hình kinh tế tập thể, các hộ thành viên có điều kiện tham gia và nhận được hỗ trợ của Nhà nước, của các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Từ đó, tạo lòng tin cho các thành viên trong hợp tác xã trên địa bàn yên tâm hoạt động, sản xuất, xây dựng các chuỗi giá trị cao, hình thành phương thức sản xuất tối ưu để phát triển bền vững./.