DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Hiệu quả thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn huyện Cao Phong

23/03/2016 00:00
Cao Phong với hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường chiếm trên 70%, còn lại là dân tộc Kinh, Dao và các dân tộc khác. Khơi dậy và phát huy nội lực, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Cao Phong đã đoàn kết một lòng, phấn đấu, năng động, sáng tạo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị và đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn.

 Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Cao Phong đã đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước một cách sâu rộng, thiết thực. Nhân dân trong huyện đã chung sức góp hàng vạn ngày công, tự di dời nhà cửa, hiến đất để giải phóng mặt bằng xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống của cộng đồng; hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, xây dựng nhà kiên cố cho người nghèo; ủng hộ các nguồn lực nhằm phát triển các loại quỹ khuyến học, khuyến tài, góp phần phát huy cao hơn nữa tinh thần hiếu học trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ đó đã tạo chuyển biến quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Tình làng nghĩa xóm được gắn kết, đoàn kết trong nội bộ gia đình, dòng tộc. An sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Trên địa bàn huyện không xảy ra các điểm nóng và vụ việc phức tạp kéo dài.

Kết quả, trong 5 năm (2010 - 2015), tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã, xóm đặc biệt khó khăn (Chương trình 135) trên địa bàn huyện đạt hơn 40 tỷ đồng. Theo đó, huyện tập trung đầu tư xây dựng 77 công trình như: Nhà lớp học, đường giao thông, đường điện, thuỷ lợi, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng, thực hiện duy tu, bảo dưỡng công trình sau đầu tư... Xây dựng mới 5 công trình nước sinh hoạt tập trung với số vốn gần 5 tỷ đồng, giúp bà con dân tộc thiểu số được sử dụng nguồn nước sạch hợp vệ sinh. Hỗ trợ người dân cây, con giống mới được thực hiện tốt, với tổng nguồn vốn trên 3 tỷ đồng cho khoảng 32.000 nhân khẩu được thụ hưởng. Hỗ trợ trực tiếp cho con em thuộc hộ nghèo và thuộc vùng khó khăn đi học với số tiền trên 1 tỷ đồng.

Việc quan tâm, chăm sóc những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được huyện Cao Phong chú trọng. Trong 5 năm đã có trên 500 lượt người có uy tín được thực hiện đầy đủ chính sách với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng. Cấp trên 120.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số; cấp 1.860 tờ báo, tạp chí phục vụ cho đồng bào dân tộc thiểu số; hướng dẫn làm thủ tục cho 170 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được vay vốn để phát triển sản xuất…

Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn; đồng bào dân tộc sống phân tán, ít có cơ hội tiếp xúc với các dịch vụ; nhiều nơi tập quán canh tác còn lạc hậu, sản xuất mang tính tự cung tự cấp dựa vào tự nhiên... Cùng với đó, trình độ của một bộ phận cán bộ làm công tác dân tộc còn hạn chế, nhiều nơi chưa bám sát dân. Đó là những khó khăn, vướng mắc, làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc tiếp cận và thụ hưởng các chính sách dân tộc của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng như phát triển kinh tế - xã hội ở huyện Cao Phong.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc những năm tới, huyện Cao Phong tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cán bộ và các tầng lớp nhân dân về các phong trào thi đua yêu nước, công tác dân tộc, chính sách dân tộc, các gương điển hình tiêu biểu của đồng bào các dân tộc. Tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, giải quyết những khó khăn, bức xúc của đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện./.