DetailController

Khoa học - Môi trường

Hiệu quả lớp học hiện trường FFS đối với nông dân

26/07/2011 00:00
Phương pháp lớp học hiện trường (FFS) được bắt đầu thực hiện tại tỉnh ta từ năm 2005 trong khuôn khổ hoạt động của Dự án hỗ trợ và phổ cập nông - lâm nghiệp vùng cao (ETSP). Sau 2 năm áp dụng thử nghiệm tại huyện Lạc Sơn và Tân Lạc, FFS được đánh giá là phương pháp khuyến nông phù hợp, các điểm áp dụng phương pháp này đã cho kết quả tốt, khả năng lan rộng cao. Năm 2007, FFS tiếp tục được mở rộng trong toàn hệ thống khuyến nông của tỉnh, 10/11 trạm khuyến nông của huyện, thành phố đã áp dụng FFS trong các chương trình khuyến nông.
Nông dân xã Mông Hóa (Kỳ Sơn) chăm sóc cây màu vụ hè- thu.

Trong 3 năm (2008 - 2010), toàn tỉnh đã thực hiện 476 lớp học hiện trường với 12.573 học viên tham gia. Với số lớp học được mở trong 3 năm (476 lớp trong toàn tỉnh, với riêng Dự án PS-ARD là 322 lớp), đây là con số đáng ghi nhận. Với sự hỗ trợ của Dự án PS-ARD, Trung tâm KN-KN  đã nỗ lực lớn trong mở rộng, phát triển phương pháp FFS trong toàn hệ thống khuyến nông. Trên 90% nông dân được phỏng vấn đánh giá có sự khác biệt rõ rệt giữa điểm thực hiện, áp dụng kỹ thuật thông qua FFS với những điểm SX đại trà của nông dân (khác biệt về tình hình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi theo các thời kỳ; khác biệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế). Theo ông Nguyễn Đức Ngự, hộ thực hành lớp học thâm canh ngô hè - thu xóm Yên Hòa, xã Yên Lạc (Yên Thủy), qua theo dõi các giai đoạn sinh trưởng, ruộng thực hành và các ruộng áp dụng của các thành viên đều đẹp hơn ruộng khác, ngô lớn hơn, lá xanh hơn. Bắp to, hạt chắc và đẹp hơn do một phần trồng giống mới, một phần do có áp dụng kỹ thuật... Năng suất ước tính khoảng 170 kg/sào, so với ruộng đại trà đạt khoảng 100-120 kg/sào.

 

Đặc biệt, thông qua quá trình thực hiện lớp học hiện trường đã tạo ra một số sản phẩm thực tế như: nâng số lượng, chất lượng đàn lợn nái và lợn giống địa phương ở các huyện Lạc Sơn, Tân Lạc, Lương Sơn; tạo vùng SX và tiêu thụ rau sạch ở Đà Bắc, Tân Lạc... Cách đây 3 - 4 năm về trước, tại huyện Lạc Sơn thường phải đi mua giống lợn từ các tỉnh khác hoặc dân ở nơi khác đến bán. Đến nay, hầu hết người dân sử dụng giống lợn được SX tại huyện, nhiều xóm như xóm Cáo - xã Quý Hoà, trước chỉ có 2 - 3 con, đến nay có đến trên 30 con... Tại xã Tu Lý (Đà Bắc), sau khi lớp học kết thúc đã hình thành nhóm sở thích trồng rau. Nhóm đã tạo được nhiều sản phẩm rau sạch, thu nhập từ trồng rau cao hơn lúa khoảng từ 2-3 lần, đem lại nguồn thu quanh năm. FFS đã góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, đặc biệt là các chủ đề về chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, gà thả vườn, trồng rau an toàn...

 

Theo tổng hợp kết quả đánh giá chung của các nhóm học tập, trung bình các lớp có đến trên 80% học viên áp dụng đúng kỹ thuật vào thực tế SX, từ 60-70% học viên có khả năng hướng dẫn lại cho người khác. Đặc biệt có những lớp sau khi kết thúc vẫn duy trì được nhóm sở thích (lớp FFS rau an toàn tại Đà Bắc có 11 hộ đều áp dụng được kỹ thuật và hướng dẫn lại cho người khác). Kết quả của các lớp học đã minh chứng qua việc áp dụng kiến thức, kỹ thuật từ lớp học vào thực tế SX, giúp cho năng suất, chất lượng cao hơn, tạo một số sản phẩm nổi bật từ các lớp học, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Điều đó dẫn đến phương pháp FFS được lựa chọn như một phương pháp khuyến nông phổ biến hiện nay.