DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Hiệu quả công tác dồn điền đổi thửa trên địa bàn huyện Lạc Thủy

01/11/2023 16:30
Tổng diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Lạc Thủy là 22.192,81 ha, chiếm 70,77% diện tích đất tự nhiên. Trong đó: Đất sản xuất nông nghiệp là 7.208,32 ha (Đất trồng cây hàng năm 3.969,45 ha (đất lúa 2.401 ha), đất trồng cây lâu năm 3.238,87 ha); đất lâm nghiệp 14.514,33 ha; đất nuôi trồng thủy sản 321,27 ha, đất nông nghiệp khác 169,5 ha.
Dồn điền đổi thửa góp phần thuận lợi cho hiện đại hóa nông nghiệp, hiệu quả sản xuất được nâng cao rõ rệt

Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TU ngày 22/12/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dồn điền đổi thửa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình"; Kế hoạch số 141/KH-UBND ngày 06/11/2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hoà Bình về dồn điền, đổi thửa trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện ban hành kế hoạch dồn điền, đổi thửa trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, đơn vị phụ trách từng lĩnh vực. Thành lập tổ công tác thực hiện dồn điền, đổi thửa. Các ngành, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện, hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện. Cấp xã cũng đã xây dựng kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo, Ban dồn điền, đổi thửa thôn và tổ chức thực hiện dồn điền đổi thửa.

Kết quả, năm 2023 thực hiện đồn điền được 49,8 ha, nâng diện tích dồn điền, đổi thửa đến hết năm 2023 trên địa bàn huyeẹn thực hiện 610 ha, bao gồm: Diện tích dồn điền, đổi thửa 562,84 ha, chiếm 92,27%; diện tích dồn điền nhưng không đổi thửa 19,81 ha, chiếm 3,25%; Diện tích đổi thửa nhưng không dồn điền 27,35 ha chiếm 4,48%; Diện tích dồn điền đổi thửa là diện tích còn lại nằm trong tổng diện tích thực hiện đến năm 2023.

Bước đầu, một số địa phương đã thực hiện tốt việc dồn điền, đổi thửa, điển hình đi đầu trong phong trào là xã An Bình, thị trấn Chi Nê, xã Phú Nghĩa. Dồn điền, đổi thửa đã có tác động tích cực đến sản xuất trồng trọt, khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất, số thửa đất bình quân/hộ đã giảm từ 2,85-3,17 thửa/hộ, việc tổ chức sản xuất, gieo trồng trên thửa đất mới thuận lợi, nhanh chóng, tạo động lực thúc đẩy cơ giới hóa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn và xây dựng vùng sản xuất hàng hoá; giảm được các chi phí nhân công như công làm đất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, công thu hoạch sản phẩm; đồng thời nâng cao nhận thức của người dân trong việc tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới thông qua việc tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công lao động, kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất.

Việc dồn điền đổi thửa cùng với việc đầu tư hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng đã làm giảm 02 công lao động/sào (bình quân 06 công/sào sau dồn điền còn 04 công lao động/sào), đồng thời khuyến khích người dân tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuât, cơ giới hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng từ cây có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn.

Từ việc dồn điền đổi thửa nhận thấy: Khi ruộng đất tập trung hơn, diện tích thửa đất canh tác lớn sẽ giúp người sản xuất dễ dàng hơn trong việc tăng cường cơ giới hóa, trong khâu phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng, tưới tiêu thuận lợi, chi phí trung gian trong sản xuất giảm từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, lao động trong sản xuất nông nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất đáp ứng được mục tiêu chương trình nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp đã đề ra.

Tuy nhiên, diện tích đất sản xuất của huyện manh mún, nhỏ lẻ, địa hình chia cắt mạnh; bên cạnh đó tập quán canh tác của người dân vẫn mang tính tự phát, sản xuất chưa theo quy hoạch, kế hoạch. Diện tích đất sản xuất đã chia và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho các hộ theo từng thửa ruộng nên tạo tâm lý e ngại cho nông dân khi thực hiện. Hệ thống thủy lợi chưa đồng bộ, hệ thống giao thông nội đồng đi lại còn khó khăn... Nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thấp, trong khi khả năng huy động nguồn lực trong dân không nhiều; đặc biệt kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng.

Năm 2024, huyện tiếp tục triển khai kế hoạch dồn điền đổi thửa, trong đó tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Phát triển mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thực hiện các mô hình tiến bộ kỹ thuật nâng cao hiệu quả kinh tế, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn tạo động lực đẩy nhanh tiến độ dồn điền đổi thửa. Tổ chức thực hiện dồn điền đổi thủ tuân thủ theo mục đích, yêu cầu, nguyên tắc và trình tự thực hiện. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác dồn điền đổi thửa để người dân đồng tình ủng hộ và hưởng ứng thực hiện. Đẩy mạnh thực hiện Đề án số 03-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 -2025" trên địa bàn huyện Lạc Thủy, Quyết định số 1014/QĐ-TTg ngày 19/5/2021 của UBND tỉnh Hòa Bình về việc ban hành kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn.