DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Hiệu quả Chương trình 135 đối với đồng bào dân tộc thiểu sổ trên địa bàn huyện Tân Lạc

07/05/2020 00:00

Thực hiện Chương trình 135 thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, huyện Tân Lạc đã thành lập Ban quản lý dự án và thực hiện nguyên tắc công khai, dân chủ, phát huy tối đa sự tham gia của người dân trong cộng đồng từ khâu lựa chọn dự án đầu tư, triển khai thực hiện, nghiệm thu và bàn giao công trình hoàn thành đưa vào sử dụng.

Người dân xóm Đồi, xã Lỗ Sơn trồng mướp đắng lấy hạt đem lại hiệu quả kinh tế cao góp phần giảm nghèo bền vững

Trong công tác điều hành luôn thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ, công khai. Nhân dân được bàn bạc lựa chọn đầu tư các hạng mục công trình, mô hình dự án, bình chọn hộ gia đình được tham gia, hưởng lợi. Vì vậy việc lựa chọn thứ tự ưu tiên đầu tư đúng nguyện vọng của nhân dân, sát với thực tế địa phương. Nhờ đó việc triển khai thực hiện chương trình 135 từ năm 2016 đến nay đạt hiệu quả tốt, đầu tư đúng mục đích, đúng đối tượng, không có sự thất thoát vốn Nhà nước.

Từ năm 2016 đến 2019 huyện đã thực hiện 108 công trình cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình 135 với tổng vốn đầu tư trên 64,3 tỷ đồng, bao gồm 63 công trình giao thông, 02 công trình thủy lợi, 30 công trình nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, 12 công trình giáo dục, 01 công trình nước sinh hoạt. Theo kế hoạch, năm 2020 sẽ thực hiện 38 công trình với tổng vốn khoảng 20 tỷ đồng.

Cũng trong thời gian trên, huyện thực hiện duy tu bảo dưỡng 148 công trình với tổng vốn 3,5 tỷ đồng.

Thực hiện hỗ trợ sản xuất, từ năm 2016 tới 2019, thực hiện đa dạng hóa sinh kế 72 dự án, mô hình chăn nuôi và trồng trọt với tổng kinh phí 14,3 tỷ đồng. Thực hiện nhân rộng mô hình giảm nghèo về dê sinh sản tại xã Trung Hòa, bò sinh sản tại xã Gia Mô, Lỗ Sơn.

Nhìn chung, chương trình 135 đã có tác động tích cực đối với người dân tộc thiểu sổ trên địa bàn huyện Tân Lạc. Tỷ lệ người dân được hưởng lợi có thu nhập bình quân đầu người tăng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống đáng kể, còn 19,66%.

Tuy nhiên, mặt bằng chung tỷ lệ hộ nghèo của huyện vẫn còn ở mức cao, mức sống của các hộ gia đình vẫn còn thấp. Chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn ít nên hiệu quả, giá trị sản xuất chưa cao. Nhận thức của người dân về công tác giảm nghèo còn hạn chế, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Việc thành lập nhóm hộ, tổ hợp tác…để cùng giúp nhau hỗ trợ phát triển sản xuất ở một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Việc tham gia đóng góp vốn đối ứng để phục vụ sản xuất, đầu tư chăn nuôi thực hiện các mô hình còn nhiều hạn chế. Số mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng chưa nhiều; khả năng đóng góp vốn để thực hiện các dự án của các hộ dân không đáng kể, chủ yếu đóng góp bằng ngày công lao động. Khó khăn về nguồn vốn thực hiện lồng ghép với các chương trình dự án có những quy định riêng; cơ chế quản lý, lồng ghép các nguồn vốn còn thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ, vì vậy chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của chương trình, dự án.

Trên cơ sở đó, huyện đề xuất UBND tỉnh có chính sách khuyến khích, ưu tiên kêu gọi và thu hút hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại đầu tư sản xuất, chế biến, kinh doanh trên địa bàn miền núi, nhằm thu hút giải quyết việc làm tại chỗ đối với bà con dân tộc thiểu số. Thường xuyên mở các lớp đào tạo, tập huấn hướng dẫn thực hiện công tác giảm nghèo cho cán bộ công tác giảm nghèo cấp huyện và cấp xã. Đề nghị tăng thêm nguồn vốn hỗ trợ sản xuất cho các hộ thực hiện dự án chăn nuôi đại gia súc. Tạo điều kiện thuận lợi và sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi nhằm thu hút các cá nhân, doanh nghiệp trong việc tự huy động vốn đầu tư công trình./.