DetailController

Kinh tế

Hiệu quả chính sách Dân tộc trên địa bàn huyện Mai Châu

23/02/2021 00:00
Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tới đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Mai Châu đã thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình giảm nghèo, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trong đó chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất cũng như hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã vùng đặc biệt khó khăn. Qua đó, tạo nguồn lực giúp người dân vùng cao xóa đói, giảm nghèo bền vững, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc trên địa bàn.
Cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến nay được đầu tư tương đối hoàn thiện, các công trình hạ tầng thiết yếu đã  phát huy hiệu quả tích cực

Được biết, trong giai đoạn 2019 - 2020, tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã, xóm đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Mai Châu là gần 25 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 24 tỷ 145 triệu đồng; nhân dân đóng góp 591 triệu đồng. Từ nguồn vốn trên, đã tập trung đầu tư xây dựng 41 công trình gồm nhà lớp học, đường giao thông, thuỷ lợi, nhà sinh hoạt cộng đồng, kênh thoát lũ và thực hiện duy tu, bảo dưỡng công trình sau đầu tư. Nhiều chính sách khác cũng đến với vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Từ các dự án hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn vùng đặc biệt khó khăn, đến nay 100% các xã có đường ô tô, điện lưới quốc gia đến trung tâm xã; hệ thống thủy lợi đáp ứng nhu cầu nước tưới phục vụ cho sản xuất; Trường học, trạm y tế đã cơ bản hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Để hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững, huyện đã chỉ đạo các xã, các tổ chức, đoàn thể trực tiếp giúp hộ dân tộc thiểu số về khoa học, kỹ thuật, tư liệu sản xuất, vốn…Kế hoạch nguồn vốn giai đoạn 5 năm là 9.088 triệu đồng, từ năm 2016 - 2020 đã tổ chức triển khai 5 mô hình chăn nuôi bò tại 4 xã với tổng nguồn vốn 1.662 triệu đồng, 124 hộ nghèo, hộ cận nghèo được thụ hưởng. Huyện cũng đề ra những giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu giảm nghèo chung của huyện. Cùng với Bảo hiểm xã hội huyện đã cấp hàng nghìn thẻ bảo hiểm y tế miễn phí mỗi năm cho thành viên hộ nghèo, hỗ trợ 10% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo cho 1.479 lượt đối tượng cận nghèo trên địa bàn. Giai đoạn 2016 - 2020 huyện đã chi trả hỗ trợ tiền điện đối tượng hộ nghèo với tổng số tiền trên 6 tỷ 347 triệu đồng. Có thể thấy, từ việc thực hiện tốt các chính sách dân tộc nên đời sống vùng dân tộc thiểu số ở huyện Mai Châu đã từng bước được nâng lên; khối đại đoàn kết các dân tộc luôn được giữ vững; lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước được củng cố, tạo đà cho kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển bền vững.

Quá trình tổ chức được thực hiện dân chủ, công khai. Những công việc người dân địa phương có thể đảm nhiệm được thì giao cho nhân dân tổ chức thực hiện để gắn quyền lợi và trách nhiệm với việc đầu tư và quản lý, khai thác; lựa chọn các đơn vị tư vấn có trình độ và trách nhiệm để đảm bảo sự chính xác từ khâu khảo sát đến thiết kế kỹ thuật và thẩm định dự án nhằm khắc phục sự chậm trễ trong thi công, đảm bảo chất lượng, hiệu quả của công trình sau thi công.

Nhìn chung, các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đang triển khai đã đem lại hiệu quả thiết thực, giải quyết được cơ bản nhu cầu đi lại, khám, chữa bệnh, học hành và tạo điều kiện giao thương hàng hóa giữa các vùng; người dân có thêm điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, hưởng thụ tốt hơn các dịch vụ công cộng và các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống; giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển giữa các vùng,… góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, thay đổi diện mạo nông thôn.

Có thể nói, chính sách dân tộc đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào từng bước cải thiện và nâng cao, giảm khoảng cách phát triển giữa các dân tộc và các vùng trong huyện, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3%/năm. Cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến nay được đầu tư tương đối hoàn thiện. Các công trình hạ tầng thiết yếu như giao thông, giáo dục, điện, nước, trạm y tế phát huy hiệu quả, giải quyết khó khăn chung cho địa phương./.