DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế

24/07/2023 15:13
Thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, 10 năm qua ngành nông nghiệp tỉnh ta đã không ngừng đầu tư, đổi mới, hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Tỉnh đã tập trung triển khai hiệu quả các quyết định, kế hoạch về cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, bền vững; tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, hình thành các vùng chuyên canh, hỗ trợ đầu tư xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm có sức cạnh tranh, nhất là nông sản có lợi thế xuất khẩu. Phát triển các sản phẩm, ngành hàng có thế mạnh của tỉnh gắn kết với chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu có chiều sâu, phát huy tối đa lợi thế của tỉnh. Nhờ đó, diện mạo nông thôn miền núi ngày càng khởi sắc. Đến nay toàn tỉnh đã có 73/129đạt 56,6%, (tăng lên 15 xã so với giai đoạn 2016-2020); có 21 xã nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 60 Khu dân cư kiểu mẫu, 174 vườn mẫu; có 03 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (TP Hòa Bình năm 2018, huyện Lương Sơn năm 2019, huyện Lạc Thủy năm 2020). Không có xã đạt dưới 10 tiêu chí trên địa bàn toàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 123 sản phẩm OCOP và đang chuẩn bị có chuyến xuất hàng sản phẩm OCOP đầu tiên sang thị trường Anh Quốc vào cuối tháng 7 này.

Tới nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất của tỉnh đã đạt trên 90%; tỷ lệ thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hoàn đạt trên 60%; đã ứng dụng công nghệ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái (UAV) cho cây lúa, cây ăn quả có múi đem lại hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường. Một số địa phương đã chú trọng thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất cây ăn quả có múi như huyện Cao Phong, Tân Lạc, Kim Bôi, Lạc Thủy, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, tưới phun, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh góp phần giảm công lao động trong sản xuất; tỷ lệ tưới tiêu chủ động bằng các máy bơm công suất đạt trên 90%. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 1 nghìn ha cây trồng cạn áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa.

Các cơ sở đã tăng cường chế biến sâu, chế biến tinh để nâng giá trị gia tăng, đồng thời nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Đến hết năm 2022 toàn tỉnh đã có 715 cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản, tỷ lệ hàng hóa qua sơ chế, chế biến đạt khoảng 18,5%; dự kiến đến hết năm 2023 ước đạt khoảng 19% số hàng hóa nông sản được sơ chế, chế biến.

Công tác phòng chống thiên tai được hiện đại hóa. Hệ thống cảnh báo phòng chống thiên tai đã được đầu tư trên địa bàn tỉnh, bước đầu với có 31 trạm đo mưa tự động được đặt tại những khu vực trọng điểm tại 11 huyện, thành phố đươc tích hợp trên hệ thống thông tin quốc gia tại trang điện tử Vinarain.vn, thông tin mưa được cung cấp liên tục hàng giờ, mọi đối tượng có thể khai thác mọi lúc, mọi nơi để hỗ trợ trong theo dõi, cảnh báo, chỉ đạo trong công tác phòng chống thiên tai. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã lập và duy trì hoạt động của trang Facebook với tên miền “Thông tin phòng chống thiên tai tỉnh Hòa Bình”; tuyên truyền và yêu cầu Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp lập trang Facebook của đơn vị nhằm kết nối, thông tin, theo dõi tin tức, chỉ đạo từ trung ương đến địa phương./.