DetailController

">
">

Sức khỏe - Đời sống

Hạt thóc Mường Trời,hạt gạo Điện Biên

07/05/2010 00:00

Từng xới bát cơm đầy, cơm vơi từ hạt gạo ân tình của bạn bè nơi lòng chảo Ðiện Biên gửi tặng, dâng cúng Tổ tiên mỗi lần Tết đến. Từng bưng bát cơm trắng ngần của Mường Then - Mường Trời giữa núi rừng Tây Bắc... nên cứ "rưng rưng" muốn tìm đến ngọn nguồn hương thơm hạt dẻo...

Thu hoạch lúa
Hạt thóc hình con mắt
Tháng 5 về, đồng Mường Thanh lúa vào vụ chín. Khắp bản làng Tây Bắc, khắp non nước mình rộn lên khúc ca: "Giải phóng Ðiện Biên...

Giữa mùa hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui".  Ðược  lời  mách chỉ, chúng tôi tìm gặp "nông sư" Phạm Ðức Hiển, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT). Anh Hiển sinh ra từ châu thổ sông Hồng, đem theo tấm bằng "nông sư" lên đây lập nghiệp, lập gia đình với người con gái Thái xinh đẹp của xứ Mường Trời. Suốt cuộc đời gắn bện với nông dân, với làng bản, với đất đai, cây trồng, vật nuôi của Mường Trời khiến ông vạm vỡ, da thịt đỏ au, săn chắc, tráng kiện như lực điền bản Thái, bản Mông. Duy mái tóc sương sa trước tuổi, quầng mắt trũng thâm, cái nhìn thăm thẳm; giọng nói chắc, thẳng, đủ biết ông là con người của công việc "tam nông" gắn bện với núi rừng chênh chao, nghiệt ngã... Cho dù thế, câu chuyện của chúng tôi với ông cũng chỉ xoay quanh hạt thóc hạt gạo.

Ông kể, huyền thoại hạt thóc Mường Trời chẳng hiểu có tự khi nào, chỉ biết đến tận bây giờ dân gian Tây Bắc vẫn truyền nhau: Mường Then là Mường Trời (cách nói chệch). Mường Trời là Mường Thanh. Mường Thanh ôm vào lòng cánh đồng rộng lớn phì nhiêu, thóc gạo ngon nhất vùng Tây Bắc do thần Ải Lậc Cậc tạo nên... Giọng ông trầm lắng. Cái nghề cái nghiệp của chúng tôi là gắn bó với đất đai. Suốt đời ngẫm ngợi, làm lụng, tính toán cho quy trình sống của cây lúa, hạt thóc. Tảo tần, trăn trở, nghĩ suy, vật vã với nông dân từ lúc hạt thóc ủ mầm, lên mạ, gieo cấy xuống ruộng thấp, đồng cao lớn thành cây lúa. Ai đó đã viết những lời này "Từ mạ thành cây lúa. Cây lúa lớn lên nhờ vào các yếu tố trợ duyên khác, ấy là: đất, nước, ánh sáng mặt trời, phân bón, gió, mưa... Từ hạt thóc ban đầu, cứ thế cây lúa nở cơ man những hạt thóc vàng. Thóc cha mẹ thành thóc cháu con, chắt, chút, chít... tiếp nối nhau hóa kiếp, sinh sôi". Những lời lẽ ấy có nhẽ người ta lẩy ra từ xứ sở châu thổ sông Hồng, từ chín nhánh Cửu Long giang... chứ ở xứ Mường Trời này là cả một cuộc đánh vật mới tạo nên thóc vàng, mới làm nên hạt dẻo, hạt thơm. Nói rồi, anh Hiển mở cặp tài liệu đưa cho tôi bản: "Tư liệu đất đai lòng chảo Ðiện Biên", chữ viết tay, đặc kịt bốn mặt giấy của ông Hà Duy Ngạn, nguyên Ðoàn phó kỹ thuật đo đạc bản đồ Ty Nông nghiệp Lai Châu (cũ). Mới hay, sau ngày "Giải phóng Ðiện Biên - 1954", thung lũng Mường Thanh dài rộng thế, mà diện tích lúa nước một vụ tự nhiên chỉ vẻn vẹn 4.000 ha. Thế rồi, cuộc đại cách mạng "mở ruộng" bùng nổ, khai hoang khẩn hóa, di dãn dân, san lấp mặt bằng; xây dựng hệ thống thủy nông Nậm Rốm, sau nữa là các hồ chứa nước Pa Khoang, Pe Luông, Sái Lương... Ðồng ruộng Mường Trời rộng ra tới trên chục ngàn ha. Cơ giới hóa ùa vào giải phóng sức dân. Hệ thống kênh mương hoàn chỉnh, kiên cố hóa, tưới tiêu khoa học. Ruộng một vụ lên hai vụ. Lối mòn gò lưng cám mạ theo hàng theo lối cúi gập đời người được thay bằng gieo vãi. Canh tác độc canh cây lúa được dỡ bỏ... Tiếp nối chuyện hạt thóc, anh Hiển sôi nổi: Dù huyền thoại, dù dân gian, dù sao đi nữa thì gốc gác cây lúa vẫn từ cây hoang dại, được lai tạo nhờ tự nhiên, nhờ con người cả ngàn đời nay mới có được. Cây lúa hôm nay, hạt thóc chắc mẩy, bát cơm đầy đặn có được đâu chỉ lọc lên từ mấy việc đơn sơ: làm đất, chọn giống, gieo hạt, cấy trồng, chăm bón, gặt hái, phơi phóng, xay giã, quạt sảy, dần sàng... Mà là cả trí tuệ của loài người nối tiếp nhau hội tụ trong hạt thóc nhỏ nhoi để làm nên những giống lúa lai tạo, biến đổi gien cho năng suất ngất ngưởng, sớm thu hoạch, chống được sâu bệnh, thời tiết khắc nghiệt, cho gạo ngon, bát cơm thơm dẻo... Vì thế, hạt thóc Mường Trời hôm nay không chỉ mang về no đủ cho người Ðiện Biên mà còn tỏa đi, vươn ra tứ xứ phương trời!

Hạt gạo thơm

Trước tuần lên Mường Thanh cốt biết thêm ngọn ngành giá trị hạt gạo nơi đây thì cô đại lý bán gạo ở phố Minh Khai, Hà Nội lại đem gạo Ðiện Biên đến bán tận nhà tôi. Vục cả đôi bàn tay vào chiếc túi chuyên dụng, nâng cả vốc gạo sát tận mặt tận mũi, vợ tôi hà hít. Cô hàng gạo mặt rơn rớn như hoa mười giờ, cất lời:


- Gớm, bác gái sành thế. Chúng em mua gạo, nhận gạo cũng phải xăm xoi như thế. Bây giờ cái gì người ta cũng làm giả, làm nhái. Ðại lý chúng em mà giả nữa thì bán cho ai. Có mà bại nghiệp!

- Bác ơi, gạo chính nhân của thóc Ðiện Biên đó. Nó có nét rất riêng như thế này này: Hạt nhỏ, mầu đục không trắng như gạo tám thường. Cơm gạo Ðiện Biên dẻo như cơm nếp, thơm thoang thoảng, khi nhai có vị đậm, nhiều nhựa nên thường dính răng...

Tôi kể lại câu chuyện đó với ông Cà Văn Cư, dân tộc Thái đen, sống bên bờ Nậm Rốm (người có vinh hạnh lớn được Cục Di sản, Bộ Văn hóa - Thông tin trước đây, chọn đi dự Lễ hội tre trúc ở Mỹ), ông cười khùng khục rồi nói:

- Giỏi. Các bà ấy giỏi. Chất gạo Ðiện Biên là vậy. Nó chính là cái riêng. Cơm gạo Mường Thanh của mình đó. Những ngày về Hà Nội, rồi sang Mỹ, gộp lại chỉ mấy tuần mà cháy lòng cháy dạ nhớ cơm, nhớ gạo!...


Cứ thế, ông say sưa kể với tôi dặt những chuyện ăn từ gạo: Nào là, tám thơm Mường Thanh, dân tôi thường dùng vào lễ, hội, đình đám, cưới hỏi. Cái giống gạo tám này dẻo thơm nên có thể nấu cơm lam, làm khẩu cắm. Khẩu cắm đồ như đồ xôi với lá cẩm, khiến vị xôi ngậy, dẻo thơm, ngon miệng; gạo này còn để làm khẩu háng (đồ thóc rồi đem phơi khô, xát vỏ rồi đồ chín), khẩu papa (tựa như dưới xuôi làm bánh nếp). Những món ăn này giàu dinh dưỡng, giúp mình sáng cái con mắt, khỏe khoắn, nhanh chân, mạnh tay!...


 


Đường về Phiêng Pi,Pú Nhung

Là người từng gắn bó với Ðiện Biên. Từng thưởng thức mật ong rừng, uống rượu sâu chít, ăn cơm tám, nếp nương với lạp xường, cá nướng thơm phức của dân tộc Thái ở Phiêng Lơi, Thanh Lương, Cò Mị... nhưng tôi cũng chỉ là người đến nhận lấy hạt dẻo, hạt thơm quện trong tấm lòng thơm thảo của người Tây Bắc, chưa biết hết ngọn nguồn vị mặn của mồ hôi thấm đẫm trong mỗi hạt gạo mình ăn. Anh Hiển như giảng giải: Gạo là nhân của thóc. Thóc nào, nhân ấy. Thóc đẹp, thóc tốt thì gạo tốt, gạo đẹp. Thái-lan được mệnh danh quê hương của gạo thơm chính là vậy. Nhờ đó, họ luôn dẫn đầu xuất khẩu gạo. Ta vươn lên hàng thứ hai. Song, chất lượng gạo của ta còn dưới tầm của họ. Có ý kiến nói, tại ta tiếp thị chưa tốt. Tôi cho rằng, tại giống và cũng tại ta canh tác còn lỗi thời. Một thời gian dài dài ta xao nhãng, thiếu đầu tư cho nông nghiệp, chi phí sản xuất tăng, giá trị lao động thấp nên người làm ruộng ngán ruộng, chán đất. Ấy là nói cái chung. Cái được của Ðiện Biên là nhiều năm qua, lãnh đạo Ðảng, chính quyền tỉnh Ðiện Biên sớm nhận thức đúng vai trò, vị thế "nhất Thanh" của mình, nên vừa chú trọng bảo vệ tôn tạo di sản lịch sử, vừa dãn dân về phía đông thành phố để có thêm đất ruộng. Nhờ thế, từ chỗ Nhà nước phải gửi gạo cứu viện, tới chỗ Ðiện Biên làm đủ gạo, rồi từ chục năm lại đây gạo Ðiện Biên đã xuất đi nhiều nơi.

Gạo Ðiện Biên ngon cơm, một phần do chất đất lòng chảo Mường Thanh giàu dinh dưỡng.

Ðiều đáng kể là nơi đây cây lúa được quang hợp tốt, nhờ có số giờ nắng nhiều hơn hẳn các vùng khác. Nhiệt độ trung bình trong năm ở mức vừa phải (28 - 30oC), nhưng biên độ chênh lệch giữa ngày và đêm rất lớn, lắm khi tới 10 - 15oC khiến cây lúa không mất năng lượng, hạt thóc liên tục được bổ sung dinh dưỡng. Ngoài ra, người trồng lúa Ðiện Biên biết giữ gìn môi trường sạch cho đồng ruộng, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giảm tối đa sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt trùng. Và bước đầu, Ðiện Biên đã biết tìm ra giống tốt...

Tháng 5 về. Nắng ngả chiều. Chuyến bay Ðiện Biên - Hà Nội, khách xếp hàng dài. Ai ai cũng một nét hả hê cho dù tay xách nách mang, túi nhỏ, túi to những gạo là gạo. Vị khách người xứ trời Âu, chốc chốc lại nâng túi gạo lên mũi hà hít hương vị ngọc ngà thơm thoảng triết ra từ đồng đất Ðiện Biên... Trong tôi ngập tràn nỗi nhớ. Dịp này 56 năm trước, đồng Mường Thanh giặc làm cứ điểm. Năm ấy, cả dân tộc dồn sức lực chi viện cho chiến dịch Ðiện Biên. Năm ấy, mấy chục ngàn tấn gạo gom góp, được cả ngàn dân công vác, gánh, thồ lên đây để bộ đội ta "khoét núi ngủ hầm"... làm nên chiến thắng... Hôm nay Mường Thanh cất cánh... Mới hay, cơm thơm ta ăn, hạt gạo Ðiện Biên ta có, nghĩa tình sâu nặng chứa chan!