DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Hạnh phúc của đôi vợ chồng khuyết tật

03/05/2013 00:00
Đôi chân họ bị tật nguyền nhưng trái tim vẫn luôn khát khao kiếm tìm hạnh phúc. Để rồi vượt qua biết bao mặc cảm của bản thân, ngăn cách từ phía gia đình, họ đã đến được với nhau. Tình yêu đã đơm hoa kết trái, đứa con ra đời đã khiến ngôi nhà tình nghĩa ấy lúc nào cũng ngập tràn hạnh phúc.
Chị Nguyễn Thị Đoàn dù bị liệt, phải ngồi xe lăn nhưng hằng ngày vẫn chăm chỉ làm việc nhà.

 Hai người khuyết tật và cái duyên định mệnh

 

Từ thành phố Hòa Bình, chúng tôi tìm đến xóm Mỗ 2, xã Bình Thanh (huyện Cao Phong), hỏi thăm về đôi vợ chồng khuyết tật ở đây thì ai cũng biết. Chị Nguyễn Thị Đoàn (25 tuổi) vốn là người làng Mỗ. Không may mắn ngay từ khi còn nhỏ, Đoàn đã bị ốm nặng. Sau nhiều đêm sốt cao, co giật khiến chân tay chị  bị teo rồi bị liệt dần. Bố mẹ thương con nên đã đưa chị đi chạy chữa khắp nơi. Nhưng đến đâu thì các bác sỹ cũng đều trả về, và cũng đồng nghĩa với việc chị sẽ không thể đi lại được. Nhưng lớn lên, bù lại chị rất thông minh, khéo léo và luôn khát khao được đi học. Vượt qua nhiều mặc cảm của bản thân, hàng ngày trên chiếc xe đạp cũ cùng em gái, chị Nguyễn Thị Đoàn vẫn chăm chỉ đến trường đều đặn. Theo học đến hết lớp 7, chị đã xin bố mẹ cho nghỉ học. Vì không muốn mình tiếp tục là ghánh nặng thêm cho gia đình. Chị đã xin vào học nghề may tại Trung tâm dạy nghề tư thục Long Thành, bắt đầu cuộc sống mới giữa những người đồng cảnh ngộ. Ở đây, với chị như là cuộc gặp gỡ định mệnh. Chị đã gặp anh Bùi Văn Quý (28 tuổi), quê ở huyện Lạc Sơn, làm nghề bảo vệ và sửa chữa điện tại Trung tâm. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, cả hai người đã có thiện cảm về nhau.

 

Bùi Văn Quý sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em. Bố Quý từng là bộ đội đóng quân ở chiến trường miền Nam.Có lẽ, những tháng ngày ăn đói, mặc rét, sự sống cái chết luôn nằm kề thì nỗi đau ấy vẫn chưa thấm gì so với nỗi đau mà cha mẹ anh phải trải qua ở thời hậu chiến. Bố mẹ Quý sinh được 6 người con thì có đến 5 người phải chịu ảnh hưởng bởi chất độc hóa học da cam/Diôxin. Bản thân Quý cũng là nạn nhân của chất độc màu da cam. Ngay từ khi mới lọt lòng, được sinh ra anh đã không có một bên chân phải. Lớn lên Quý vẫn tập tiễng đi lại được cùng đôi nạng gỗ trên tay. Năm 2005, Bùi Văn Quý biết đến Trung tâm dạy nghề khuyết tật Long Thành từ một người quen giới thiệu. Chia tay làng quê nghèo, xa bố mẹ, người thân, anh quyết tâm lên thành phố kiếm tìm cơ hội cho mình. Anh xin vào học nghề sửa chữa điện và kiêm bảo vệ tại Trung tâm khuyết tật. Ở đây ai cũng biết đến anh là người hiền lành, nhanh nhẹn, quan tâm đến mọi người. Còn Nguyễn Thị Đoàn cũng là một cô gái xinh xắn, thông minh và luôn được mọi người yêu quý. Cả hai người tật nguyền nhưng lúc nào cũng vui vẻ, lạc quan, cùng nhau chia sẻ những khó khăn trong công việc và cuộc sống. Cứ thế tình yêu ở họ đã nảy nở và đến một cách tự nhiên như cái duyên định mệnh.           

Tình yêu không tật nguyền

 

Cũng như bao cặp đôi yêu nhau khác, anh chị cũng khát khao về một gia đình, về một mái nhà có tiếng khóc của trẻ thơ. Nhưng cái mong ước giản dị ấy nhiều khi tưởng chừng là không thể. Cả hai bên gia đình đều một mực phản đối. Mẹ Quý sợ con trai sẽ khổ hơn nếu lập gia đình với một cô gái cũng tật nguyền như anh. Còn gia đình Đoàn thì không đồng ý, một phần cũng bởi lý do Quý là nạn nhân của chất độc màu da cam, khả năng di truyền cho con cái sau này là điều khó tránh. Nhưng bù lại, cả hai đều được sự vun vén, động viên của mọi người ở Trung tâm khuyết tật. Tình yêu dành cho nhau đã giúp cho Đoàn và Quý có thêm động lực để thuyết phục gia đình. Cô Đào Thị Hiền, Giám đốc Trung tâm dạy nghề khuyết tật đã nhiều lần về tận nhà để thuyết phục, tác động đến bố mẹ các em. Qua nhiều lần phản đối không thành, biết không thể thay đổi được ý định của các con. Thương con, bố mẹ hai bên rồi cũng thuận tình ủng hộ.

 

Ngày 10/10/2009 được chọn là ngày cưới của Đoàn và Quý tại Trung tâm khuyết tật Long Thành. Với họ, tình yêu vượt qua nhiều khó khăn thì cuối cùng đã chạm đến bến bờ hạnh phúc. Nhớ lại khoảng thời gian ấy, chị Nguyễn Thị Đoàn đã nghẹn ngào xúc động: “Không dễ gì để vợ chồng em có được hạnh phúc như ngày hôm nay. Trung tâm khuyết tật là một kỷ niệm không thể nào quên. Mái ấm tình thương với những người cùng cảnh ngộ đã cho chúng tôi tìm được hạnh phúc”. Và cũng chính nơi đây, chị Đoàn đã sinh ra đứa con trai đầu lòng khỏe mạnh, bụ bẫm. Bé Bùi Hoàng Anh ra đời may mắn đã không bị ảnh hưởng từ cha chất độc da cam/Diôxin. Đây cũng chính là niềm hạnh phúc lớn không chỉ của đôi vợ chồng khuyết tật mà của cả hai bên gia đình anh chị. Chiều theo mong muốn của bố mẹ vợ, 2 vợ chồng Quý đã chuyển về nhà ngoại (ở xóm Mỗ, Bình Thanh) để ông bà có điều kiện chăm sóc cho em bé. Khi bé Hoàng Anh được tròn 1 tuổi, vợ chồng anh đã xin phép bố mẹ được ra ở riêng. Từ ngôi nhà cũ của người thân cho mượn, 2 vợ chồng đã bắt đầu cuộc sống tự lập. Hàng ngày chị Đoàn ở nhà chăm sóc con, dọn dẹp nhà cửa và nấu cơm cho chồng. Còn anh Quý thì đi làm ở quán sửa chữa xe máy của bố vợ, ở gần nhà. Cứ thế cuộc sống của đôi vợ chồng khuyết tật nhưng ngày nào cũng ngập tràn hạnh phúc.

 

Mới đây, vợ chồng anh chị lại được chuyển về ngôi nhà mới. Trên mảnh đất 60m2 của bố vợ cho. Nhờ được sự hỗ trợ của Trung ương hội khuyết tật Việt Nam, hội khuyết tật tỉnh và huyện Cao Phong, cùng sự giúp đỡ của hai bên gia đình. Ngôi nhà tình nghĩa đã được trao tặng cho vợ chồng anh chị vào tháng 10/2012 với trị giá gần 60 triệu đồng. Ngắm nhìn ngôi nhà mới, anh Quý xúc động: “Cảm ơn các tổ chức Đảng, các cấp chính quyền và gia đình đã quan tâm, giúp đỡ để vợ chồng tôi được ở trong ngôi nhà mới khang trang. Từ nay vợ chồng sẽ yên tâm làm ăn và nuôi dạy con nên người được như các bao gia đình khác. Có được như vậy, vợ chồng không mong ước gì hơn ”.

 

Cuộc trò chuyện với đôi vợ chồng khuyết tật đã giúp tôi hiểu rõ hơn về hai con người. Dù tật nguyền nhưng với họ, tình yêu và nghị lực vươn lên là điều không thiếu. Tình yêu không tật nguyền sẽ nâng cánh ước mơ cho 2 vợ chồng trên con đường đi đến hạnh phúc. Tôi thiết nghĩ, cuộc sống này sẽ hạnh phúc và đơn giản biết bao nhiêu nếu ai cũng biết trân trọng những gì mình đang có../.