Việc được chọn là đội hạt giống sẽ giúp cho các đội bóng gặp thuận lợi rất nhiều khi bốc thăm. Tuy nhiên, tại vòng chung kết này, đội hạt giống sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều bởi nhánh đấu nào cũng có sự góp mặt của nhiều đội bóng mạnh.
Hơn nữa, kể từ năm 1996 đến nay, chưa có đội nào được xếp làm hạt giống lại giành được chức vô địch Euro.
Bảng B với sự góp mặt của Hà Lan, Đức, Bồ Đào Nha và Đan Mạch đã tạo nên bảng đấu tử thần. Điều đáng chú ý là tại bảng đấu này, Bồ Đào Nha sẽ có cơ hội trả Đan Mạch món nợ mà họ đã vay từ vòng đấu bảng.
Ngoài ra, với sự có mặt của Đức, các đội tuyển Hà Lan, Bồ Đào Nha và Đan Mạch chắc hẳn chẳng hề mong muốn chút nào cả. Bởi nên nhớ rằng, trong lịch sử chưa từng có đội nào nằm cùng bảng với Đức mà sau đó lại vô địch Euro, ngoại trừ chính họ.
Trái ngược bảng B, bảng A với sự có mặt của đội đồng chủ nhà và cũng là trưởng bảng Ba Lan chính là đội bóng dễ thở nhất trong số 4 đội được chọn làm hạt giống, khi mà chỉ phải đối đầu với Nga, Hy Lạp và Séc. Đây sẽ là cơ hội rất lớn để họ hy vọng giành vé đi tiếp.
Trong khi bảng B được xem là bảng đấu tử thần còn bảng A toàn đội bóng nhàng nhàng, thì bảng C và D lại không hề nhẹ nhàng chút nào, khi có rất nhiều "ông lớn" hiện diện.
Tại bảng C, nhà đương kim vô địch Tây Ban Nha sẽ phải đối đầu với Italy, Croatia và CH Ireland. Đặc biệt là Italy, họ có dịp hội ngộ với huấn luyện viên Giovanni Trapattoni (hiện đang dẫn dắt Ireland) - người đã cùng họ sớm phải nói lời chia tay đất nước Bồ Đào Nha mến khách từ vòng bảng.
Ở Euro năm ấy, Totti đã để lại hình ảnh không đẹp chút nào khi có hành động "phun mưa" vào mặt Poulsen và bị cấm 2 trận sau đó - đây có thể xem là nguyên nhân lớn dẫn đến thất bại của đội tuyển Italy.
Bên cạnh đó, đoàn quân áo Thiên Thanh còn có cơ hội tái ngộ với đội tuyển Tây Ban Nha - những người đã loại họ ở tứ kết Euro 2008 trước khi lên ngôi. Liệu lần này, Italy có thể trả sòng phẳng món nợ đó?
Trong khi đó ở bảng D, Anh và Pháp tưởng chừng sẽ nhẹ gánh khi đối đầu với Ukraine và Thụy Điển. Nhưng trên thực tế, bảng đấu này sẽ rất khó đoán, bởi Ukraine là đội chủ nhà còn Thụy Điển không hề dễ chơi chút nào cả.
Hơn nữa, Anh và Pháp hẳn còn nhỡ mãi nỗi buồn Euro 1992. Khi đó, Anh, Pháp, Thụy Điển cũng nằm chung bảng, nhưng rồi cả Anh và Pháp đều phải nói lời chia tay sau khi vòng đấu bảng kết thúc.