DetailController

Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Giám sát việc xử lý dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình tại UBND tỉnh

09/10/2023 16:02
Chiều 06/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh gồm các ông bà: Đặng Bích Ngọc, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội; Hoàng Đức Chính, Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn đã có buổi giám sát tại Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về “Việc xử lý dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình theo Nghị quyết 74/2022QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội”. Cùng tham gia đoàn có lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; các sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện: Lương Sơn, Kim Bôi, Thành phố Hòa Bình.
Đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi khảo sát

Thực hiện Nghị quyết 74/2022QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiến hành kiểm tra, thanh tra, giám sát các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng, kết quả như sau: Tổng số 53 dự án, sử dụng 7.725,46 ha đất, trong đó: huyện Yên Thủy 04 dự án, diện tích 35,26 ha; huyện Cao Phong 04 dự án, diện tích 2.991,57 ha; huyện Tân Lạc 02 dự án, diện tích 1,63 ha; huyện Kim Bôi 12 dự án, diện tích 248,45 ha; thành phố Hòa Bình 07 dự án, diện tích 50,53 ha; huyện Lương Sơn 04 dự án, diện tích 125,98 ha; huyện Đà Bắc 09 dự án, diện tích 2.451,01 ha; huyện Mai Châu 07 dự án, diện tích 1.699,38 ha; huyện Lạc Sơn 04 dự án, diện tích 121,65 ha. Theo đó, đã rà soát, kiểm tra 16 dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, vi phạm pháp luật về đất đai giai đoạn 2016-2021.

Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát, xử lý vi phạm các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng. Đối với các dự án vi phạm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư quyết định chấm dứt chủ trương đầu tư dự án; giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện xử lý tài sản đầu tư của dự án trên đất theo quy định. Thực hiện thu hồi đất theo quy định đối với trường hợp đã quá thời hạn 24 tháng doanh nghiệp không thực hiện được việc bán tài sản hợp pháp của mình gắn liền với đất cho nhà đầu tư khác.

Thông qua việc thực hiện thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm, các cơ quan chức năng đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị chấn chỉnh trong công tác quản lý đất đai được tốt hơn, hạn chế những sai sót có thể xảy ra: nghiêm túc chấn chỉnh các mặt còn hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn. Chấn chỉnh kịp thời công tác chuyên môn của cán bộ, công chức tham mưu, giúp việc để nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc được giao. Đảm bảo việc quản lý Nhà nước về đất đai, tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp đúng quy định của pháp luật, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Tăng cường công tác lãnh đạo, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm về đất đai, tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn và nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; góp phần nâng cao hiệu lực pháp luật đất đai, ngăn chặn, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Hàng năm, tỉnh đều đều có Nghị quyết về cơ chế, chính sách trong công tác quản lý đất đai nhất là việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tài chính đất và giá đất làm căn cứ để các cấp, các ngành triển khai thực hiện. Ủy ban nhân dân tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản quy định và chỉ đạo tổ chức thi hành Luật Đất đai theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật với những nội dung phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Các Sở, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã trong tỉnh đã có sự phối hợp chặt chẽ và quyết tâm cao tổ chức thực hiện chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác quản lý đất đai.

Nhìn chung, các dự án được giao đất, thuê đất đã triển khai đầu tư bảo đảm theo tiến độ đã được chấp thuận và tiến độ đã cam kết, nhiều dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích. Một số dự án trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có quy mô sử dụng lao động lớn, góp phần tạo việc làm cho lao động tại địa phương, tăng thu ngân sách Nhà nước, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực.

Tại buổi khảo sát, các đại biểu tại các địa phương đã làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng còn các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng, kéo dài, không đảm bảo tiến độ; những khó khăn, hạn chế, vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng, làm  ảnh hưởng đến môi trường đầu tư; một số nhà đầu tư có nhu cầu sử dụng đất để đầu tư dự án nhưng chưa được đáp ứng kịp thời, ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu kết luận buổi khảo sát, đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu các ý kiến của đại biểu tại buổi khảo sát, đồng thời đề nghị UBND tỉnh tổng hợp, hoàn thiện dự thảo báo cáo. Thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai; tiếp tục tổng hợp, rà soát, phân loại các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng trên địa bàn tỉnh, gây thất thoát, lãng phí để có giải pháp chỉ đạo, giải quyết, khắc phục…/.