Giai đoạn 2020 đến tháng 6/2023, các sở đã tham mưu Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết, Quyết định, Kế hoạch, Chương trình, Thỏa thuận hợp tác và nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành để tổ chức triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng Chính quyền điện tử/Chính quyền số. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến về nội dung chuyển đổi số nói chung và ứng dụng công nghệ thông tin trong hiện đại hóa hành chính nói riêng đến cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước cũng như tạo được sự lan tỏa, đồng thuận của người dân và doanh nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 204 cán bộ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ chuyên trách/kiêm nhiệm về công nghệ thông tin. Hạ tầng công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư và triển khai hiệu quả. Đến nay, tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng của các cơ quan quản lý Nhà nước duy trì ở mức cao, vượt chỉ tiêu đã đề ra. Đối với cấp tỉnh, cấp huyện đạt trên 95%, cấp xã đạt trên 85%. Toàn tỉnh có 625 thủ tục hành chính có yêu cầu về nghĩa vụ tài chính và được triển khai thanh toán trực tuyến, đạt tỷ lệ 100%. Với sự vào cuộc của các ngành và sự chủ động của địa phương đã tạo điều kiện quan trọng để Hòa Bình có chỉ số đánh giá mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT index) đạt mức trung bình của cả nước. Cụ thể, năm 2022, tỉnh Hoà Bình xếp hạng 38. Ứng dụng công nghệ thông tin đã được quan tâm, góp phần thay đổi phong cách làm việc của các cấp lãnh đạo, cán bộ, công chức, doanh nghiệp, bảo đảm khoa học, nhanh chóng, chính xác, văn minh, hiện đại; nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng phục vụ tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân của các cơ quan Nhà nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn. Do một số cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt khi triển khai ứng dụng công nghệ thông tin; nhân lực và cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu; trang thiết bị công nghệ thông tin tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương còn thiếu hoặc xuống cấp; tỷ lệ người dân tham gia sử dụng dịch vụ công và thanh toán trực tuyến còn nhiều hạn chế.
Tại buổi làm việc, đại diện các sở đã kiến nghị UBND tỉnh quan tâm bố trí kinh phí đầu tư, triển khai các hoạt động công nghệ thông tin phục vụ phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số đáp ứng yêu cầu trong công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa nền hành chính; nghiên cứu xây dựng cơ chế thu lực lực lượng lao động chất lượng cao. Các sở, ban, ngành chủ động phối hợp với các Bộ, ngành chủ quản nền tảng số quốc gia thúc đẩy phát triển và đưa các nền tảng số quốc gia vào sử dụng. Các địa phương phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ trong Kế hoạch Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới xây dựng Chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng. Trong đó, UBND thành phố Hòa Bình và huyện Lương Sơn sớm hoàn thành việc triển khai xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh. Kiến nghị các cơ quan Trung ương ban hành các chương trình có mục tiêu về chuyển đổi số để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phát triển các nền tảng, phần mềm phù hợp với nội dung, ứng dụng công nghệ thông tin, chương trình chuyển đổi số, an toàn an ninh thông tin nhằm hỗ trợ các địa phương kinh phí triển khai thực hiện.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Quách Thế Ngọc, UV BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế- HĐND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao kết quả thực hiện sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin để cải cách hành chính, hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước của các Sở. Đoàn đề nghị các sở tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ về chuyển đổi số được giao. công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của công nghệ thông tin, Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân và doanh nghiệp. Ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để phát triển chính quyền số. Gắn trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị với việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong cơ quan, đơn vị mình, phải tiên phong gương mẫu trong ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, giải quyết công việc. Thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, an toàn thông tin cho lực lượng cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục hỗ trợ người dân sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, giao tiếp điện tử với cơ quan Nhà nước; khuyến khích, thúc đẩy phát triển giao dịch điện tử, thương mại điện tử, thanh toán điện tử./.