Ngày 27/4, Ban Văn hóa – Xã hội và Dân tộc (HĐND tỉnh) tổ chức khảo sát tình hình thực hiện công tác cai nghiện ma túy và sử dụng methadone trong việc cai nghiện ma túy tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, UVBTV, Trưởng ban VH- XH&DT, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy dự và chỉ đạo buổi làm việc.
Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được triển khai vào cuối tháng 10/2012. Kết quả ban đầu cho thấy, trước điều trị 100% bệnh nhân sử dụng heroin, sau điều trị 6 tháng còn 33%, sau 12 tháng còn 9% dương tính với kết quả xét nghiệm nức tiểu về ma túy. Cùng với việc giảm mức độ sử dụng ma túy, các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị có sự cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, tình hình an ninh và trật tự an toàn xã hội được cải thiện rõ rệt, các vụ trộm cắp, gây rối trật tự giảm đáng kể. Về công tác điều trị Methadone, tính đến tháng 3/2016, toàn tỉnh có 04 cơ sở điều trị, với 571 bệnh nhân đang được điều trị (đạt 47,6% chỉ tiêu Chính phủ giao); việc đăng ký làm hồ sơ tham gia điều trị Methadone thực hiện theo Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ và Thông tư số 12/2015/TT-BYT ngày 28/5/2015 của Bộ Y tế, đã tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân, giảm bớt thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian để bệnh nhân có thể điều trị một cách nhanh nhất.
Tuy nhiên, công tác điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone còn một số khó khăn, hạn chế như: Công tác tuyên truyền chưa sâu rộng đến bệnh nhân; đa số bệnh nhân tham gia điều trị mắc các bệnh xã hội kèm theo, vì vậy việc tiếp xúc với bệnh nhân nguy cơ lây nhiễm cao.
Trong thời gian tới, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục tham mưu cho Sở Y tế xây dựng đề án chương trình điều trị Methadone giai đọan 2017-2020 trình HĐND tỉnh ; duy trì 04 cơ sở điều trị, sớm đưa Cơ sở điều trị Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục – lao động – xã hội Hòa Bình đi vào hoạt động; đảm bảo chế độ cho cán bộ tham gia tại các cơ sở điều trị và cơ sở cấp phát thuốc. Đồng thời, nâng cao chất lượng điều trị tại các cơ sở điều trị, tổ chức đào tạo và đào tạo nâng cao cho cán bộ tại các cơ sở điều trị và cơ sở cấp phát thuốc.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Trưởng Ban VH-XH&DT thống nhất cao với báo cáo về công tác điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone của Trung tâm. Đồng thời đề nghị trong thời gian tới, cần tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho lãnh đạo và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của điều trị Methadone; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người nghiện ma túy và gia đình người nghiện tự nguyện đăng ký tham gia chương điều trị. Khảo sát tình hình thực tế, từ đó xây dựng đề án chương trình điều trị Methadone giai đọan 2017-2020 trình HĐND tỉnh và thiết lập các cơ sở cấp phát thuốc tại huyện, xã giúp người nghiện thuận tiện hơn khi đến điều trị./.