Những năm qua, để giải quyết tốt các vấn đề về môi trường, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Đến nay, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào giữ gìn, bảo vệ môi trường bền vững.
Vấn đề bảo vệ môi trường được xem xét kỹ lưỡng ngay từ khi xây dựng các quy hoạch, kế hoạch trên các lĩnh vực, trong việc lựa chọn các dự án đầu tư với mục tiêu phát triển kinh tế nhưng không đánh đổi về môi trường; do đó sẽ ưu tiên lựa chọn các dự án thân thiện với môi trường, có tính bền vững và bảo vệ môi trường tối ưu nhất. Việc thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường các dự án đầu tư đảm bảo các yếu tốt thuận lợi trong quá trình xử lý chất thải, hạn chế tác động xấu đến môi trường, đặc biệt là khu vực đông dân cư, các khu vực nhạy cảm. Nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường. Đến nay về cơ bản, các nguồn, cơ sở gây ô nhiễm môi trường đã được nhận diện và kiểm soát. Nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã tiễn hành đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình xử lý nước thải nhằm bảo vệ môi trường. Cơ quan chức năng cũng thực hiện giám sát chặt chẽ việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, hoạt động xả thải của các cơ sở doanh nghiệp, đặc biệt là các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, có lưu lượng xả thải lớn.
Hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường từng bước được quan tâm đầu tư. Nguồn ngân sách sự nghiệp môi trường hàng năm tuy còn thấp nhưng về cơ bản đã giúp các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện được một số nhiệm vụ về bảo vệ môi trường. Các địa phương đã bố trí kinh phí xây dựng các bãi chôn lấp, xử lý rác thải. Tính đến hết năm 2018, trên địa bàn tỉnh có khoảng 28 bãi chôn lấp, 04 lò đốt cỡ nhỏ thực hiện xử lý rác thải cho gần 100 xã khu vực nông thôn. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn còn ở mức thấp, đặc biệt đối với khu vực nông thôn mới đạt tỷ lệ 30 – 40%. Đối với nước thải y tế, hiện nay tất cả các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Kết quả quan trắc giám sát môi trường hàng năm cho thấy nước thải y tế được xử lý tương đối tốt, đạt quy chuẩn môi trường cho phép trước khi xả thải.
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hạ tầng xử lý thu gom rác thải tập trung trong các khu, cụm công nghiệp còn thiếu. Tính đến hết tháng 12 năm 2019, có KCN Lương Sơn đã hoàn thành hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung với công suất 3000m3/ngày đêm và đã lắp đặt xong hệ thống giám sát nước thải tự động; KCN Bờ trái sông Đà đã hoàn thiện hệ thống thu gom, hoàn thiện xây dựng và lắp đặt máy móc thiết bị trạm xử lý nước thải tập trung công suất 1.200m3/ngày đêm và đang thực hiện xin kinh phí lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động để đưa vào hoạt động. Đối với các cụm công nghiệp, đến nay chưa có cụm công nghiệp nào được đầu tư hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường.
Công tác quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên nước gắn với bảo vệ môi trường được chú trọng. Công tác quản lý tài nguyên nước đã đảm bảo thống nhất theo lưu vực sông, theo nguồn nước kết hợp với quản lý theo đơn vị hành chính. Việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước đã tuân thủ theo Quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2011- 2020, định hướng đến năm 2025; quy định về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Hòa Bình gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Khai thác, sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, an toàn, có hiệu quả; bảo đảm sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu, công bằng hợp lý, hài hòa lợi ích, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân; duy trì được dòng chảy tối thiểu trên sông, suối; không vượt quá ngưỡng cho phép của các tầng chứa nước dưới đất và có biện pháp bảo đảm đời sống dân cư; ưu tiên nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân địa phương.
Công tác quản lý khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường được quan tâm. Ngoài việc ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, tỉnh kiên quyết tạm dừng hoạt động khai thác của các mỏ đá vi phạm, tạm dừng cấp vật liệu nổ cho các mỏ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 41 mỏ đá và yêu cầu sửa chữa khắc phục sai phạm; đến nay đã có 34 mỏ đã đã thực hiện khắc phục xong được cho phép hoạt động khai thác trở lại./.