Nguồn ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn chủ yếu là rác thải, nước thải sinh hoạt hàng ngày; hoạt động sản xuất nông nghiệp; ô nhiễm nguồn nước, không khí từ các làng nghề thủ công. Việc quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường trở nên khó khăn. Khắc phục những hạn chế, khó khăn, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chương trình bảo vệ môi trường. Đồng thời, khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sản xuất sạch trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, làng nghề.
Về cơ bản, hiện nay các hộ gia đình, cụm dân cư khu vực nông thôn đã hình thành nếp sống văn minh, bố trí chuồng trại chăn nuôi gia súc xa nhà ở, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; giữ gìn ngõ xóm xanh- sạch-đẹp. Các phong trào “Nhà sạch, vườn đẹp, môi trường trong lành, ngõ xóm văn minh”, mô hình “Gia đình 5 không 3 sạch”, “đoạn đường tự quản”, “Hàng rào xanh”, “Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường”, “Ngày Trái đất”, “Ngày môi trường thế giới 5 tháng 6 hàng năm” được nhân rộng ở nhiều nơi, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân hưởng ứng tham gia.
Bên cạnh đó, các địa phương duy trì tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường; tập huấn các kỹ năng xử lý, phân loại rác thải tại khu dân cư và doanh nghiệp.Cơ quan, đơn vị thường xuyên cập nhật tin, bài về xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường trên website của ngành, cũng như đăng tải các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện xây dựng nông thôn mới. Đến nay đã có 71/131 xã đạt tiêu chí về môi trường, đạt 54,2%.
Công tác kiểm soát việc sử dụng hoá chất trong sản xuất nông nghiệp được tăng cường. Các tổ thu gom và xử lý rác thải được thành lập, hoạt động liên tục trong tuần. Nhờ đó, ý thức của người dân ngày càng nâng cao, không còn tình tràng xả thải bừa bãi. Nhiều tuyến đường, ao hồ ở khu vực nông thôn trở nên sạch đẹp hơn. Các địa phương luôn khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sản xuất sạch trong sản xuất trồng trọt nhằm bảo vệ môi trường như quản lý dịch hại tổng hợp IPM, thực hành nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, quản lý dinh dưỡng INM... Hàng năm, tổ chức thanh tra, kiểm tra về việc kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chấp hành pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật quy định vể kinh doanh, sản xuất, gia công đóng gói thuốc bảo vệ thực vật cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn. Xây dựng quy định về đào tạo và cấp giấy phép đăng ký kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Công tác quản lý, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu và các sản phẩm ngoài danh mục cấm sử dụng được cải thiện rõ rệt, ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng lên.
Trên địa bàn tỉnh có 11 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận; chủ yếu là các làng nghề về may, dệt thổ cẩm, mây tre đan với nguyên liệu là sợi tổng hợp được nhập từ nơi khác. Những không có làng nghề thuộc danh mục các làng nghề ô nhiễm môi trường cần xử lý theo chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường. Ý thức hộ sản suất, kinh doan trong các làng nghề ngày càng nâng cao. Các làng nghề đã trang bị đầy đủ bảo hộ cho người lao động thực hiện theo đúng quy định; đã đầu tư máy xẻ nhỏ có nước dẫn hạn chế khói bụi; phối hợp với chính quyền thực hiện đánh giá tác động môi trường thường xuyên, định kỳ, tránh tác động đến môi trường xung quanh. Từ năm 2017 đến nay, tỉnh Hòa Bình xét, công nhận được 5 làng nghề, làng nghề truyền thống, gồm 2 làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, 1 làng nghề truyền thống mây tre đan, 2 làng nghề nấu rượu. Hồ sơ xét, đề nghị công nhận của các làng nghề, làng nghề truyền thống đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường làng nghề; riêng làng nghề nấu rượu Mai Hạ (Mai Châu) đã có phương án bảo vệ môi trường được Ủy ban nhân dân huyện Mai Châu phê duyệt./.