Tham gia buổi gặp mặt có 22 Chiến sỹ Điện Biên, TNXP, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tiêu biểu đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.
70 năm trước, với ý chí sắt đá của một dân tộc anh hùng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã quyết tâm triển khai thực hiện chiến lược Đông Xuân 1953-1954. Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra làm 3 đợt, sau 56 ngày đêm“Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt; Máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”, với sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với ý chí kiên cường, mưu trí, dũng cảm của một dân tộc anh hùng, quân và dân ta đã chiến đấu ngoan cường, “đánh chắc”, “tiến chắc”, đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào ngày 07/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
Cùng với khí thế sôi sục “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” của cả nước, Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã hăng hái tham gia đi dân công, xây dựng kho tàng, lán trại, đón tiếp, giúp đỡ các đoàn dân công, đơn vị bộ đội hành quân ra mặt trận, ủng hộ, đóng góp lương thực, thực phẩm... Từ tháng 9/1953, bộ đội địa phương và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã gấp rút tu sửa cầu, phà trên tuyến quốc lộ 6, 12 và 15 để đảm bảo tốt nhất cho vận chuyển lương thực, thực phẩm phục vụ chiến trường. Tổng kết chiến dịch, toàn tỉnh đã huy động 381.292 lượt dân công, 905 xe thồ, vận chuyển 4.900 tấn hàng, huy động 170.000 ngày công xay, giã 545 tấn thóc cho bộ đội, cung cấp cho mặt trận 39,5 tấn thịt, 1.840 m3 gỗ và hàng vạn cây tre. Trong thời gian diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội địa phương và dân quân du kích toàn tỉnh chủ động mở nhiều đợt tấn công làm kiềm chế, tiêu hao sinh lực địch.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Nguyễn Phi Long, UV dự khuyến BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ sự tri ân, biết ơn sâu sắc đối với những cống hiến, đóng góp, hy sinh của những người là Chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyếntrực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ để làm nên một thiên anh hùng ca bất diệt “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong chiến thắng đó, có những đóng góp quan trọng của quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.
Tiếp bước truyền thống của cha anh, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và và Nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh tiếp tục phát huy “hào khí Điện Biên” đã đoàn kết, trách nhiệm, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo, khoa học, kịp thời và đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tăng cường. Nhiều chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế- xã hội đạt và vượt mức kế hoạch. Các lĩnh vực nông nghiệp, văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế, an sinh xã hội xã hội tiếp tục được quan tâm; đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân được nâng lên. Niềm tin của Nhân dân với Đảng tiếp tục được củng cố vững chắc.
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, thời gian qua, qua Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn quan tâm chăm lo, tạo điều kiện tốt nhất cho để người có công được tiếp cận, thụ hưởng tối đa chính sách an sinh xã hội. Toàn tỉnh hiện nay, có 6.002 người có công đang hưởng chính sách Nhà nước. Từ năm 2017 đến nay, quỹ Đền ơn đáp nghĩa toàn tỉnh vận động được hơn 15 tỷ đồng; đã tặng hơn 1.250 sổ tiết kiệm tình nghĩa; xây mới, tu sửa, nâng cấp trên 6.699 nhà tình nghĩa. Qua đó từng bước giúp các gia đình chính sách, người có công vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.
Thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, chính sách xã hội, đáp ứng với yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. “Bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng được chăm lo toàn diện cả vật chất và tinh thần, có mức sống trung bình khá trở lên, so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú”. Đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của Nhân dân. Đặc biệt là thế hệ trẻ về sự hi sinh, cống hiến to lớn của những người có công với cách mạng để khơi dậy lòng yêu nước, phát huy truyền thống “uống nước nhờ nguồn” “Ăn quả nhớ người trồng cây”, ý thức trách nhiệm với lịch sử; mong các chiến sĩ Điện Biên, TNXP, dân công hỏa tuyến phát huy truyền thống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, luôn là tấm gương sáng, tạo động lực, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ noi theo.
Nhân dịp này, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã thăm hỏi, tặng quà tri ân các Chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ./.